Việt Nam có hơn 6,7 triệu người khuyết tật từ 5 tuổi trở lên, trong đó có khoảng 1,6 triệu người có khả năng lao động. Vì vậy dạy nghề và tạo việc làm bền vững cho người khuyết  tật là một trong những vấn đề quan trọng giúp người khuyết tật cải thiện cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng. Hiện cả nước có trên 1.000 cơ sở dạy nghề có tổ chức dạy nghề cho người khuyết tật. Giai đoạn 2006-2010 có gần 49.000 người khuyết tật được học nghề (với một nửa là nữ giới), trong đó có gần 16.000 người được tạo việc làm, số còn lại được cải thiện việc làm.

Từ năm 2010 đến nay, bình quân mỗi năm đã tổ chức dạy nghề cho 7.000-8.000 người khuyết tật. Riêng năm 2013, mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện thí điểm tại Hòa Bình, Bắc Giang, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Đà Nẵng đã dạy nghề và tạo việc làm ổn định cho 1.500 người khuyết tật.

Tuy nhiên, số lượng người khuyết tật được học nghề hiện còn quá ít và chiều hướng tăng không đáng kể. Tỷ lệ người khuyết tật sau đào tạo nghề tìm việc làm còn thấp và chủ yếu là tự tạo việc làm. Nguyên nhân là do 80% người khuyết tật sống ở nông thôn, trình độ văn hóa thấp, cộng thêm những rào cản xã hội như thái độ phân biệt, mặc cảm, tự ti. Bên cạnh đó, người khuyết tật thường thiếu thông tin về việc làm, nhất là người khiếm thính. Các công trình kiến trúc, phương tiện giao thông công cộng không phù hợp khiến họ khó tiếp cận học nghề, việc làm. Người khuyết tật rất khó tiếp cận vốn vay để tự tạo việc làm.

"Hiện nay người khuyết tật chưa được vay trực tiếp mà vẫn phải qua một tổ chức như phụ nữ hoặc hội nông dân hay các tổ chức khác đứng bảo lãnh. Tổ chức của người khuyết tật chưa được bảo lãnh cho hội viên của mình vay. Chúng tôi mong rằng các chính sách đến địa phương thì chỉ cần tổ chức người khuyết tật đứng ra bảo lãnh là người khuyết tật sẽ được vay"- ông Trần Mạnh Thu, Chủ tịch Hội người khuyết tật tỉnh Lâm Đồng cho biết..

Người khuyết tật là một lực lượng lao động không nhỏ trong xã hội và họ đòi hỏi phải được bảo vệ bằng luật pháp để đảm bảo quyền bình đẳng tham gia vào các hoạt động của xã hội, trong đó có quyền bình đẳng về việc làm bền vững. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 với mục tiêu “Hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân; tạo điều kiện để người khuyết tật vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội”.

Ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho rằng, bảo đảm để người khuyết tật thực hiện quyền bình đẳng và tham gia cộng đồng xã hội, một trong những giải pháp là hướng tới trợ giúp người khuyết tật nâng cao năng lực tiếp cận việc làm, giải quyết vấn đề giảm nghèo. Trong đó cần trợ giúp trực tiếp đối với cá nhân và hộ gia đình người khuyết tật đảm bảo điều kiện tham gia vào thị trường lao động hoặc tự tạo việc làm tại chỗ.

Có được việc làm bền vững là điều mong mỏi của những người khuyết tật. Đây là những khát vọng, quyền lợi, tiếng nói và sự thừa nhận để cộng đồng xã hội có sự công bằng và bình đẳng như nhau. Nhiều người khuyết tật trước đây phải sống dựa vào gia đình, né tránh, mặc cảm với xã hội thì nay họ đã có việc làm, tự tin tham gia vào các hoạt động của cộng đồng và xã hội.

hanh_dgwj.jpgBạn Hoàng Thị Hạnh, người khuyết tật tỉnh Đắc Lắc tham dự Diễn đạt Người khuyết tật khu vực châu Á - Thái Bình Dương
"Tôi tốt nghiệp ngành y năm 2004, ngày đó con đường đi tìm việc của mình rất gian nan. Với nỗ lực của bản thân, tôi vào làm việc không lương được vài tháng, sau đó với tâm huyết của người trẻ tuổi và những kỹ năng  học được ở trong nhà trường nên sau 6 tháng tôi được nhận việc. Mong muốn có được việc làm là mong muốn chung của tất cả mọi người, với người khuyết tật còn khó khăn hơn. Tôi mong muốn ở địa phương có ngành nghề nào đó để cho thanh niên khuyết tật có thể học và làm việc. Cấp sở, chính quyền địa phương cần có những chế độ, chính sách ưu tiên người khuyết tật khi họ đi học và xin việc làm" - bạn Hoàng Thị Hạnh, người khuyết tật ở Đắc Lắc chia sẻ.

Tạo điều kiện và cơ hội đào tạo nghề gắn với việc làm đối với người khuyết tật chính là sự thúc đẩy hành động nhằm “Hiện thực hóa quyền của người khuyết tật”, trong đó có quyền được có việc làm bền vững. Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan, tổ chức chính trị xã hội, bản thân người khuyết tật cần rèn luyện, cố gắng học tập để nâng cao kiến thức, tay nghề, tự tin góp phần phát triển kinh tế đất nước./.