Trao đổi với phóng viên VOV về Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) mới được đưa ra lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân, trong đó có phương án tăng tuổi nghỉ hưu, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã đưa ra quan điểm trên.

Theo Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), phương án tăng tuổi nghỉ hưu được thực hiện theo lộ trình: Từ 1/1/2021, cứ mỗi năm tăng thêm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

PV:Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, điều đáng quan tâm nhất khi tăng độ tuổi nghỉ hưu là sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường lao động, đặc biệt tỉ lệ thất nghiệp của lao động trẻ. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Lê Đình Quảng: Khi tăng tuổi nghỉ hưu rõ ràng ảnh hưởng lớn đến việc làm và vấn đề nghề nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp của nước ta trong những năm vừa qua, đặc biệt là lao động trẻ khá cao, cao gấp 3 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung của toàn quốc. Theo thống kê của chúng tôi, mỗi năm chúng ta có khoảng 1 triệu người bước vào thị trường lao động.

ong_le_dinh_quang_vvnq.jpg
Ông Lê Đình Quảng

Nước ta hiện đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” và thời kỳ này còn kéo dài trên 1 thập kỷ nữa. Mô hình kinh tế của Việt Nam đang chuyển đổi từ mô hình phát triển theo chiều rộng sang mô hình phát triển theo chiều sâu. Tất cả những yếu tố trên làm cho vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động trẻ vẫn là một trong những áp lực lớn trong những năm tới đây. Vì vậy việc tăng tuổi nghỉ hưu đồng nghĩa với cơ hội có việc làm của lao động trẻ bị suy giảm, tình trạng thất nghiệp sẽ gia tăng. Đây là tác động mà chúng ta phải cân nhắc.

PV: Ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động như thế nào về phương án tăng tuổi nghỉ hưu như dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)?

Ông Lê Đình Quảng: Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam không đồng tình với việc nâng tuổi nghỉ hưu của các đối tượng là công nhân lao động, đặc biệt là đối tượng lao động trực tiếp sản xuất. Chúng ta phải xem xét đến sức khỏe, điều kiện lao động.

Đối với những người lao động trong các nghề lao động chân tay, lao động trực tiếp, nhiều người trong nhóm này mặc dù quy định cho họ nghỉ hưu ở tuổi 60 với nam, nữ là 55 nhưng hầu như họ nghỉ hưu trước tuổi dù chế độ về bảo hiểm xã hội hưởng thấp. Bây giờ kéo dài thời gian làm thêm nữa thì chắc chắn họ không thực hiện được mà chế độ hưởng bảo hiểm xã hội càng giảm. Như vậy ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của họ, cũng như gánh nặng cho xã hội.

Hiện nay đã có nghị định quy định về tuổi nghỉ hưu cho một số nhà khoa học, nhà quản lý theo điều 187, tôi thấy chúng ta đã tận dụng được một số đối tượng có cống hiến nhất định, cả trí tuệ và kinh nghiệm. Cần tiếp tục theo hướng phân ra từng đối tượng để kéo dài tuổi nghỉ hưu chứ không phải kéo dài tuổi nghỉ hưu của tất cả các đối tượng.

PV: Xin cảm ơn ông!/.