Dù không muốn nhưng gần đây thường xuyên trên mạng xã hội hay trên các trang báo mạng đều xuất hiện những thông tin liên quan đến nạn quấy rối tình dục, xâm hại trẻ em xảy ra ở khắp nơi, từ trường học đến chung cư hay nơi công cộng... Những đối tượng phạm tội có thể là người thân, hàng xóm, thầy giáo, thậm chí người lạ...

Luật pháp vẫn thì lúng túng trong việc xử phạt các đối tượng phạm tội, còn người dân tỏ ra rất hoang mang, lo lắng về sự an toàn của con, em mình. Trước thực trạng này, điều mà người dân quan tâm đó là làm thế nào để tạo “rào chắn” bảo vệ trẻ em trước nạn bạo lực,  xâm hại  ngày càng gia tăng.

te1_yqor.jpg
Các vụ xâm hại tình dục trẻ em trong năm 2018 là 1.269 vụ với 1.233 đối tượng, xâm hại 1.141 em.

Theo số liệu thống kê năm ngoái của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cả nước phát hiện gần 1.600 vụ xâm hại trẻ em, với 1.669 đối tượng, xâm hại 1.579 em. Trong đó, số vụ án xâm hại tình dục trẻ em là 1.269 vụ (chiếm 82% tổng số vụ xâm hại trẻ em). Ðặc biệt, có tới 43 vụ án giết trẻ em. Nơi xảy ra nhiều vụ án xâm hại trẻ em nhất là hai thành phố lớn: Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Tình trạng xâm hại, dâm ô trẻ em ngày càng nhiều và phức tạp. Nhiều người tỏ ra tức giận và lo lắng khi chứng kiến những vụ xâm hại trẻ em. Bà Lê Hồng Loan, Trưởng Chương trình Bảo vệ Trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (Unicef) cho rằng, không chỉ là chuyện trẻ em bị tấn công mà nền tảng pháp luật, đạo đức xã hội đều bị thách thức.

Điển hình một số vụ việc xảy ra thời gian gần đây như: một người thầy dâm ô với hàng loạt học sinh tiểu học được dung túng cho qua, rồi một người từng giữ trọng trách trong ngành pháp luật như ông Nguyễn Hữu Linh ở Đà Nẵng ôm ghì và hôn em bé trong thang máy tại thành phố Hồ Chí Minh cũng chưa bị xử lý. Ngoài ra, những vụ việc xâm hại, bắt nạt trẻ em qua mạng cũng đang là vấn đề nhức nhối.

 “Các vấn đề xâm hại, bạo hành trẻ em cũng trở nên rất phức tạp cùng với sự phát triển của xã hội và sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin.  Vấn đề xâm hại trẻ em không có tiếp xúc trực tiếp với trẻ em như gạ gẫm trên mạng, yêu cầu trẻ em phô bầy cơ thể của mình qua mạng vì mục đích tình dục. Nhiều trường hợp còn bị ghi hình để phát tán, chúng ta chưa có quy định, cho nên việc xử lý và những biện pháp, chế tài xử phạt đối với những hành vi này còn chưa thỏa đáng”, bà Lê Hồng Loan nêu thực trạng.

Bà Lê Thị Hòa, Vụ Pháp luật Hành chính Hình sự (Bộ Tư pháp) cho biết, tình trạng dâm ô trẻ em đang rất báo động, hành vi dâm ô cần phải hiểu đúng bản chất và rất cần một án lệ để răn đe, phòng ngừa loại tội phạm này. Để các vụ xâm hại trẻ em được xử lý nghiêm minh, bà Hòa cho rằng cần quy định tất cả các hành vi sờ soạng lên nạn nhân nhằm thỏa mãn khoái lạc tình dục của mình đều có thể coi là hành vi dâm ô.

Các vấn đề xâm hại, bạo hành trẻ em cũng trở nên rất phức tạp cùng với sự phát triển của xã hội và sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin. 

Bên cạnh đó, TAND tối cao, Viện KSND tối cao và Bộ Công an nên sớm hướng dẫn vấn đề này để đáp ứng yêu cầu đấu tranh với loại tội phạm xâm phạm tình dục nói chung và xâm phạm tình dục đối với trẻ em nói riêng đang xảy ra rất phức tạp.

“Chúng ta phải tăng cường các biện pháp hỗ trợ nạn nhân, các biện pháp tái hòa nhập cộng đồng, các dịch vụ hỗ trợ; hình thành các bộ phận chuyên trách của các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình xử lý các vụ việc liên quan đến trẻ em; Tăng cường vai trò, đặc biệt là vai trò của cán bộ công tác xã hội, cán bộ bảo vệ trẻ em trong các hoạt động tố tụng. Mặc dù là Luật Trẻ em quy định như vậy nhưng trong quy trình hiện nay chúng ta chưa có vì chưa có quy trình xử lý cụ thể. Việc ban hành quy trình sớm thì chúng ta có thể lồng ghép vài trò, trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc bảo đảm sự tham gia của các cán bộ làm công tác trẻ em trong hoạt động tố tụng để cung cấp các dịch vụ kịp thời cho trẻ em bị xâm hại”, bà Hòa kiến nghị.

Theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), để tạo thêm hành lang, “rào chắn” trong công tác bảo vệ trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã làm việc với 4 Bộ, ngành gồm Bộ Giáo dục - đào tạo, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Trung ương Đoàn và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam để bàn các giải pháp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.... Các Bộ, ngành này sẽ phối hợp tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại.

Thời gian tới, Ủy ban quốc gia về trẻ em sẽ lập các đoàn đi kiểm tra, giám sát tại bộ, ngành, địa phương về thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em; trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương, cơ sở giáo dục đối với việc hỗ trợ, can thiệp, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.

Ngoài ra, để phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, thời gian tới cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho cả thầy cô giáo, học sinh trong trường và gia đình, xã hội.

“Hiện nay, nhiều học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh và người dân đã hiểu hơn những quy định về bảo vệ trẻ em, biết đến Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Nhiều trường hợp, giáo viên hoặc cha mẹ, người thân trong gia đình chủ động thông tin, thông báo, tố giác những hành vi liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em. Trong thời gian vừa qua, lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao cũng đã có những văn bản chỉ đạo rất quyết liệt các cơ quan cấp dưới trong việc triển khai công tác bảo vệ trẻ em, triển khai đồng bộ các giải pháp liên quan đến bảo vệ trẻ em và ưu tiên giải quyết các vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em”, bà Nguyễn Thị Nga nói.

Để tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em nhằm chấm dứt bạo lực và xâm hại trẻ em, Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đưa ra khuyến nghị xây dựng Chương trình Quốc gia phòng chống bạo lực trẻ em nhằm cải thiện khung pháp lý, tăng cường các dịch vụ bảo vệ trẻ em. Trong đó, mục tiêu cao nhất là bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức xâm hại, bạo hành./.