Sáng nay (14/6), kết thúc phiên thương lượng đầu tiên, các bên gồm đại diện người lao động và chủ sử dụng lao động vẫn chưa thể thống nhất về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020.

Trao đổi với báo chí, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN) cho biết, trong cuộc họp sáng nay, các bên bước đầu đã tìm hiểu mức đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng của nhau. Bên cạnh đó lắng nghe bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương quốc gia đưa ra phân tích và các phương án riêng.

vov_quang_1_xems.jpg
Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN). 

Trong phiên đầu tiên, Tổng LĐLĐ VN đề xuất 2 phương án tăng 8,18 %, tương ứng với mức tiền tăng từ 180.000 - 380.000 đồng tuỳ theo từng vùng lương. Phương án 2 đề xuất tăng từ 7,06 %, tương ứng với mức từ 160.000 - 330.000 đồng, tuỳ từng vùng lương.

Trong khi đó, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) đề xuất tăng dưới 3%. 

Trao đổi trước phiên họp sáng nay, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho hay, các Hiệp hội doanh nghiệp đề xuất không điều chỉnh mức tăng lương tối thiểu vùng. Doanh nghiệp muốn dành thêm cơ hội cho các thương lượng tập thể. Việc tăng lương tối thiểu cần căn cứ vào những khả năng để doanh nghiệp phát triển. Hiện nay cứ 3 doanh nghiệp ra đời thì 2 doanh nghiệp không thể tồn tại.

Bộ phận kỹ thuật thuộc Hội đồng tiền lương Quốc gia đề xuất tăng 5,3 %.

Đại diện Tổng LĐLĐ VN cho rằng, VCCI có thể đề xuất mức tăng thấp xuất phát từ quyền lợi của doanh nghiệp. Tuy nhiên, mức đề xuất này chưa bám sát được yêu cầu của Nghị quyết 27/NQ-T.Ư về mức lương tối thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu vào năm 2020.

Theo ông Lê Đình Quảng, điều khó khăn nhất là việc xác định đầy đủ các tiêu chí của mức sống tối thiểu. Bởi mỗi bên đều có quan điểm riêng của mình về đánh giá mức sống tối thiểu.

Trước đó, năm 2018, để đi đến thống nhất chung mức tăng lương tối thiểu năm 2019 là 5,3%, các bên đã phải trải qua 3 phiên họp căng thẳng.

Được biết, phiên đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra vào đầu tháng 7./.