Một tin vui đối với người lao động trước thềm nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Chính phủ quyết định tăng lương cho cán bộ, công chức từ 1/7/2017. Theo đó, mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1,210 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu đồng/tháng. Đây là sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong việc cân đối nguồn ngân sách để tăng lương.

tang_luong_vhdv.jpg
Ảnh minh hoạ

Câu chuyện cải cách tiền lương luôn nóng nhưng chưa bao giờ được giải quyết rốt ráo. Bởi, để cải cách tiền lương hiện nay yêu cầu phải giải quyết những vấn đề vượt tầm của hệ thống tiền lương, thậm chí nằm ngoài hệ thống tiền lương nhưng lại có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của cải cách hệ thống tiền lương. 

Theo thống kê, tính đến hết năm 2015, số đối tượng áp dụng chế độ tiền lương theo quy định hiện hành (không tính lực lượng vũ trang) xấp xỉ 2,73 triệu người. Trong đó, những người làm việc trong cơ quan hành chính quản lý nhà nước từ cấp huyện trở lên là 310.000 người, cán bộ công chức cấp xã 256.000 người, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp hưởng phụ cấp là 302.000 người, còn lại là nhóm làm trong cơ quan Đảng, đoàn thể và đơn vị sự nghiệp công lập...

Theo ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, tình trạng công chức 'sáng cắp ô đi tối cắp về' khá nhiều trong khi bộ máy vẫn thiếu những người làm được việc, vẫn xảy ra tình trạng chảy máu chất xám.

"Theo ước tính của các chuyên gia, có tới 30% công chức không làm được việc, tương đương 700.000 người, tiêu tốn 17.000 tỷ đồng ngân sách mỗi năm" – ông Bùi Sỹ Lợi nhắc lại một phát biểu của mình tại một hội nghị về cải cách tiền lương tổ chức cuối năm 2016.

Nói về cách chi trả lương hiện nay có nhiều bất hợp lý, không công bằng, ông Bùi Sỹ Lợi dẫn chứng: “Có một thời kỳ, chúng ta nâng lương cho người có mức lương dưới 2,34, có nghĩa là anh nào làm tốt cũng chẳng được gì cả. Mình xử lý mang tính nhân đạo nhưng lại không tạo ra động lực phát triển của cơ quan đơn vị. Nhưng giờ đưa vấn đề cải cách tiền lương ra làm rất khó, ngân sách thì không có mà lại không công bằng”.

Vậy khi nào người lao động được trả đúng, trả đủ với công sức họ đã bỏ ra? Theo ông Bùi Sỹ Lợi, chỉ khi nào tiền lương gắn với năng suất lao động và tiền lương phải đúng bản chất thúc đẩy tăng năng suất lao động. Về nguyên tắc tiền lương, tốc độ tăng lương bình quân bao giờ cũng chậm hơn tăng năng suất lao động, có nghĩa là anh làm phải có tích luỹ.

“Ăn cũng quan trọng, nhưng nếu không có tích luỹ thì làm sao có tái sản xuất mở rộng. Hiện tại, chúng ta không có tích luỹ” – ông Lợi nhấn mạnh.

Đồng thời, ông Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, tiền lương của chúng ta hiện nay không thể cải cách được. Chúng ta mới chỉ bàn về cải cách tiền lương nhưng đã thấy quá khó rồi. Bởi vì bộ máy của chúng ta quá cồng kềnh nên càng làm thì càng khó. Nâng lương sẽ dẫn tới nâng giá theo. Hiện nay, tiền lương đang trong vòng luẩn quẩn, “giật gấu vá  vai” chứ  không giải quyết được một cách rốt ráo.

Ngoài những bất cập ông Bùi Sỹ Lợi nêu, thang bảng lương của chúng ta hiện nay còn quá bất cập, phần nhiều vẫn trả lương theo thâm niên công tác hoặc dù lương thấp nhưng có chức vụ thì phần thu ngoài lương, phần “lậu” lại rất lớn nên việc tăng lương với nhiều người không có ý nghĩa.

Lại thêm một lần tăng lương theo cách cào bằng, dàn hàng ngang, mỗi người có một chút… mà vẫn chưa thể giải quyết được câu chuyện cải cách tiền lương.

Đa số người lao động đi làm trông chờ vào đồng lương để duy trì cuộc sống, tái sản xuất sức lao động. Thế nhưng, vì chưa giải quyết được vấn đề tinh giản biên chế, giảm sự cồng kềnh của bộ máy,… nên người làm việc chăm chỉ hay lười nhác, hiệu quả hay kém hiệu quả… đều được tăng lương giống nhau, không tạo động lực cho sự cạnh tranh phát triển.

Khi bộ máy còn cồng kềnh kém hiệu quả, khi chúng ta chưa lấy kết quả làm thước đo để tính toán lương, thang bảng lương chưa hợp lý thì tiền lương không trở thành động lực thúc đẩy công việc phát triển, thậm chí còn là lực cản vô cùng lớn, bởi nó tạo ra tâm lý trông chờ, ỷ lại, nhìn nhau làm việc./.