Kiên Giang là tỉnh có số lượng tàu khai thác xa bờ nhiều nhất cả nước với hơn 4.400 chiếc.

Theo báo cáo, năm 2016, Kiên Giang có 127 tàu cá và 671 ngư dân bị bắt giữ vì khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Để từng bước hạn chế, chấm dứt tình trạng này, tỉnh Kiên Giang đang khẩn trương triển khai nhiều biện pháp, trong đó có tuyên truyền, vận động kết hợp xử lý nghiêm những người vi phạm.

anh_tai_ca_1_vov_aahj.jpg
Các lực lượng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật với ngư dân.

Vừa qua UBND tỉnh đã phê bình, kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương và các sở ngành vì quản lý các tàu cá chưa chặt chẽ. Đồng thời chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho chủ tàu, thuyền trưởng biết các quy định về ranh giới phân định trên biển giữa Việt Nam và các nước trong khu vực; các quy định về thuỷ sản của Việt Nam, quốc tế và các nước; yêu cầu chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sản trái phép. 

Thượng tá Đặng Hữu Danh, Đồn trưởng đồn biên phòng cửa khẩu cảng An Thới cho rằng: “Thực trạng trong thời gian qua một số chủ phương tiện do nhận thức về luật pháp cũng như do lợi ích kinh tế trước mắt mà đã xâm phạm vùng biển chủ quyền của nước bạn để đánh bắt hải sản gây mất ổn định trật tự trong khu vực, làm ảnh hưởng gây thiệt hại kinh tế cho đất nước. Đồn đã chỉ đạo các biện pháp nghiệp vụ biên phòng đồng loạt để xử lý . Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát; quản lý chặt chẽ các loại phương tiện ra vào cửa sông, bến cảng”.

Tàu cá đang vào bờ ở cảng An Thới.

Hiện nay các đồn biên phòng, trạm kiểm soát trong toàn tỉnh kiên quyết không cho tàu cá ra khơi khi chưa đủ các thủ tục, giấy tờ, sơn tàu cá giống tàu cá nước ngoài. Đặc biệt, các chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá khai thác xa bờ phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định; đồng thời mở máy hoạt động 24/24 để các cơ quan chức năng giám sát.

Đại úy Đặng Văn Lanh, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Bình an, huyện Kiên Lương cho biết: “Khi các phương tiện vào bến nhập cũng cử lực lượng xuống kiểm tra các bộ đàm như máy định vị để xem hành trình đánh bắt của phương tiện như thế nào. Có xâm phạm ở vùng biển nước ngoài hay không. Tài công, thuyền trưởng rất ủng hộ và chấp hành nghiêm vấn đề này”.

UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiên quyết không cho đăng ký, đăng kiểm; không cấp phép khai thác thuỷ sản và không chứng nhận, xác nhận thuỷ sản khai thác đối với những tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép. Bên cạnh đó, sẽ tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thuỷ sản trong vòng 6 tháng và không được hưởng các chế độ chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với những tàu bị nước ngoài bắt giữ, chuộc, thả hoặc trốn về nước.

Tàu cá, ngư dân Kiên Giang cam kết không đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Đối với các chủ tàu cá vi phạm cũng sẽ có biện pháp xử lý đồng thời công bố trên phương tiện thông tin ở địa phương để đảm bảo tính răn đe. Được tuyên truyền, phổ biến các quy định của Trung ương, địa phương, đa số ngư dân đã ý thức được vấn đề nghiêm trọng của việc đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Anh Sa Chấn Đức, chủ tàu cá ở huyện Phú Quốc chia sẻ: “Anh em tuyên truyền mình cố gắng làm lòng vòng ở đây, chứ đâu có dám đi xa. Ở đây nhiều người nghe nói bị bắt nhiều quá, tai nạn vậy vậy đó nên không dám đi qua bển đánh cá. Qua bển đánh sợ bị bắt nhốt thì vợ con không có nuôi. Đi làm bên đây có bao nhiêu ăn bấy nhiêu chứ không dám qua nước ngoài”.

Tuyên truyền cho ngư phủ, thuyền trưởng.

Anh Lê Hoàng Lợi, xã Hưng Yên, huyện An Biên, thuyền trưởng tàu đánh cá cho biết: “Bữa nào lên trình trạm biên phòng cũng tuyên truyền đừng qua vùng biển nước ngoài đánh bắt. Mình cũng chấp hành vì qua đó họ bắt bớ, đánh dập, đốt tàu, bắn, ở tù nên không dám đi. Cũng lên điện đàm tuyên truyền, nói với nhau không vi phạm”.

Nhờ triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nên hiện nay tình hình vi phạm đã giảm hẳn. Năm qua, số lượng tàu cá vi phạm đã giảm một nửa. Riêng những tháng đầu năm nay không xảy ra vụ việc nào về tàu cá, ngư dân của Kiên Giang bị nước ngoài bắt giữ, xử lý./.