Hôm nay (18/9), đoàn đại biểu Hội Luật gia Việt Nam do ông  Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam dẫn đầu có cuộc gặp và làm việc với Chủ tịch Hội đồng bầu cử Thái Lan Apichart Sukhagganon nhằm trao đổi một số vấn đề liên quan việc xây dựng Luật Trưng cầu ý dân.

anh2thailan.jpg
Hội Luật gia Việt Nam làm việc với Hội đồng bầu cử Thái Lan

Tại buổi gặp, hai bên đã trao đổi những kinh nghiệm trong việc xây dựng luật và các bước tiến hành việc trưng cầu ý dân theo luật định. Phía Thái Lan đã thông báo tình hình chính trị, xã hội và những kinh nghiệm thực hiện trong việc tổ chức trưng cầu ý dân tại Thái Lan. Theo hiến pháp Thái Lan, Hội đồng bầu cử Thái Lan là cơ quan thực hiện và tổ chức trưng cầu ý dân.

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh cho biết: Hội Luật gia Việt Nam được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng dự Luật về Trưng cầu ý dân. Hội Luật gia Việt Nam đã thành lập Ban soạn thảo Luật trưng cầu ý dân và đang khẩn trương hoạt động để có thể xây dựng hoàn chỉnh dự thảo luật trước khi trình lấy ý kiến các ban ngành và Ủy ban Thường vụ Quốc Hội.

Hội Luật gia Việt Nam do Chủ tịch Hội Phạm Quốc Anh làm việc với Chánh Tòa án Tối cao Thái Lan pairoj wayuparb (bìa phải hàng đầu)

Chuyến công tác tại Thái Lan lần này giúp Hội Luật gia Việt Nam học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng luật. Ông Phạm Quốc Anh cho biết: “Qua thực tiễn, việc xây dựng Luật Trưng cầu ý dân ở Thái Lan đã làm và gắn liền với việc xây dựng Hiến pháp. Luật Trưng cầu ý dân là một trong 9 Đạo luật cơ bản mà Hiến pháp Thái Lan quy định, có tác dụng rất tốt trong việc nâng cao trình độ dân trí và hiểu biết về pháp luật, trong đó phát huy được quyền dân chủ của người dân trong việc xây dựng nhà nước.”

Trước đó, đoàn hội Luật gia Việt Nam đã có cuộc gặp và làm việc với Chánh án Tòa án Tối cao Thái Lan Phay-rốt (Pairoj Wayuparb) nhằm tìm hiểu vai trò của hệ thống tư pháp, đặc biệt là hoạt động của tòa án Tối cao, tòa án Hiến pháp và tòa án Hành chính tại Thái Lan./.