Hơn 1.100m bờ kè biển vừa được gia cố bằng các giải pháp kỹ thuật như: dùng túi địa hay cừ Larsen, mỏ hàn chữ T đã bị sóng biển cuốn phăng. Hàng trăm tỷ đồng đầu tư vào đây như “muối bỏ biển”.
Bờ biển Cửa Đại bị xé toạt, bao nhiêu tiền đầu tư như muối bỏ biển. |
Những đợt sóng cao trùm sâu vào bờ, tràn qua cả những túi địa kỹ thuật cuốn phăng nhà cửa, cây cối, công trình hạ tầng. Các túi địa này nặng hàng trăm ký, được làm bằng cách dùng cát biển đổ vào bao tải lớn làm kè chắn sóng, tạo bờ mà chính quyền thành phố Hội An và tỉnh Quảng Nam đầu tư hàng chục tỷ đồng để tạo bãi, giữ bờ.
Bao công sức, tiền của Nhà nước đầu tư vào đây không mang lại kết quả như mong muốn. Ông Nguyễn Hùng, người dân thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Chắn sóng bằng bao này thấy làm cũng lâu rồi, tốn kinh phí của Nhà nước rất là nhiều nhưng khi sóng lớn vẫn kéo cát đi bình thường”.
Nhiều bao tải cát bị cuốn trôi ra biển. |
Dọc dãy nhà hàng, khách sạn ven biển, những nơi được đầu tư hàng trăm tỷ đồng cùng sự tham gia hàng ngàn ngày công của người dân địa phương chỉ qua 1 trận bão lũ thì đâu lại vào đó. Nhiều chủ nhà hàng, khách sạn ven biển chưa yên tâm cách làm kè chắn sóng bằng bao tải cát hay cừ Larsen mà chính quyền địa phương thực hiện, nên tự đầu tư làm kè bằng bê tông hoặc đóng cọc tre…
Chị Tống Từ Đài Trang, nhân viên nhà hàng ở Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, năm ngoái chị cũng tham gia xúc cát đổ vào bao chắn sóng nhưng sau đợt mưa lũ vừa rồi, công sức người dân như “Dã tràng xe cát”.
“Bao nhiêu công sức của chủ nhà hàng bỏ ra, mình là nhân viên tiếc lắm chứ. Xâm thực quá nhiều, mười mấy mét đất chiều dài ra tới bãi biển mất hết”- chị Trang nói.
Một đoạn rừng dương còn lại phía Bắc biển Cửa Đại có nguy cơ trôi xuống biển. |
Ngay sát Khu du lịch Palm Garden resort Hội An, sóng lớn đánh tan hoang kè biển và xâm thực sâu vào bờ. Năm 2016, chủ Khu du lịch này đã dùng túi địa kỹ thuật chắn sóng nhưng bất thành. Năm nay, doanh nghiệp đầu tư 7 tỉ đồng để giữ 200m bờ kè bằng cách đóng cọc bê tông sâu 10m, sau đó đổ bê tông làm tường chắn. Cách làm này bước đầu ngăn không cho sóng biển xâm thực nhưng lại không được địa phương ủng hộ vì không theo quy hoạch chung.
Trong khi đó, bờ kè khách sạn Palm Garden đã ngăn được biển xâm thực. |
Ông Nguyễn Thành Sang, Chủ Khu du lịch Palm Garden resort Hội An cho biết: “Cơn bão số 12, ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển Cửa Đại, may mà chúng tôi kè kịp thời và đến nay công trình hết sức an toàn. Tôi nghĩ Chính phủ có những biện pháp giải quyết cho Cửa Đại này bền vững. Kè để giữ bờ biển, giữ đất, nhưng kè mà dùng những cái bao để kè như vừa rồi tôi nghĩ không đem lại hiệu quả mà vẫn mất đất”.
Dù không thành công với các giải pháp bảo vệ bờ biển Cửa Đại nhưng lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An vẫn tiếp tục xin kinh phí để đầu tư theo phương án cũ. |
Mới đây, trong chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, thành phố Hội An, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần có những giải pháp căn cơ hơn để giữ bờ biển Cửa Đại, giữ phố cổ Hội An trước biến đổi khí hậu và nước biển dâng./.