Liên quan đến dự án xây kè bảo vệ đê biển Gò Công, tỉnh Tiền Giang, VOV phản ánh, ngày 21/4, Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, việc đốn bỏ diện tích rừng phòng hộ do Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Tiền Giang quản lý để bàn giao mặt bằng cho dự án chưa có sự chấp thuận của UBND tỉnh là sai quy định.

Hiện tại, UBND tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo dừng dự án làm bờ kè chắn sóng bảo vệ đê biển tại ấp Rẫy, xã Kiểng Phước (huyện Gò Công Đông) để điều chỉnh theo hướng thu hẹp phạm vi, nhằm hạn chế thiệt hại diện tích rừng phòng hộ ven đê biển Gò Công. Qua kiểm tra của ngành chức năng, đã có hơn 1.700 m2 rừng cây Đước bị đốn bỏ. UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ đốn bỏ cây rừng phòng hộ kiểm điểm, nghiêm túc rút kinh nghiệm.

vov_pha_rung_bvur.jpg
Hiện trường vụ đốn bỏ rừng phòng hộ ven đê biển Gò Công.

Như tin đã đưa, một diện tích rừng phòng hộ ven biển Gò Công, tỉnh Tiền Giang bị đốn hạ để tạo mặt bằng xây dựng bờ kè chắn sóng bảo vệ đê biển. Dù chưa được sự chấp thuận của UBND tỉnh nhưng một đơn vị đã tự ý đốn cây rừng gây bức xúc trong dư luận tại địa phương. Dự án đã bị đình chỉ nhưng nhiều cây rừng đã bị thành cây củi.

Đây là những cây đước  nằm trong khu vực rừng phòng hộ do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tiền Giang quản lý. Diện tích rừng này, được trồng để chắn sóng, bảo vệ đê biển Gò Công cách nay hơn 20 năm. Mới đây, để giải phóng mặt bằng cho các đơn vị thi công Kè chắn sóng bảo vệ đê biển Gò Công nên đơn vị quản lý rừng đã tổ chức cho khai thác khu vực rừng này để làm chất đốt.

Công trình xây kè bảo vệ đê thực hiện trên đất rừng phòng hộ.

Rừng phòng hộ ven đê biển Gò Công, tỉnh Tiền Giang hiện nay còn rất mỏng. Việc đốn bỏ nhiều cây rừng rất đáng tiếc, việc tái tạo lại rừng phòng hộ như ban đầu phải tốn nhiều kinh phí và thời gian./.