Theo quyết định số 1734/QĐ-TTg ngày 1/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam, đến năm 2020 nước ta sẽ có 22 tuyến cao tốc, với chiều dài khoảng 6.000 km. Đến thời điểm này nước ta mới có gần 700 km đường cao tốc, nhưng công tác quản lý cùng với ý thức người tham gia giao thông trên đường cao tốc còn kém đã dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc.

Quy định trên đường cao tốc rất rõ ràng: tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu, làn đường dành cho từng loại phương tiện thế nhưng, trên thực tế lại khác, mỗi người đi một kiểu, nhiều xe tải lớn cứ “chềnh ễnh” như rùa bò ở phần đường dành cho xe con, khiến các xe khác không thể đi nhanh được.

Nếu vượt bên phải đường thì sai luật, chính vì vậy mà nhiều lái xe đành “tặc lưỡi” sai luật một tý chứ không thể cứ đi sau xe tải. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn thảm khốc trên đường cao tốc, vì khi vượt bên phải tầm nhìn bị hạn chế rất dễ đâm phải xe đi trước, hoặc xe đỗ bên đường.

cao_toc_xbci.jpg
Những đoạn đường đang được bảo trì ở cao tốc Hà Nội - Lào Cai

Anh Nguyễn Trung Anh, một lái xe cho biết: “Xe tải đi làn bên trong, họ đi rất chậm, tôi vượt là sai làn, vi phạm Luật Giao thông. Còn xe con nhiều khi họ đi nhưng không tập trung vào chuyên môn vừa đi vừa điện thoại, nhắn tin. Tôi cũng mong làm sao việc đó hạn chế cho đúng là đường cao tốc”.

Vẫn còn tình trạng trâu, bò ngang nhiên đi trên đường cao tốc. Khoảng trên một năm nay có đường cao tốc Hà Nội- Lào Cai thì cũng một năm qua người dân hai bên đường lại có thêm chỗ để chạy tập thể dục buổi sáng. Trên tuyến cao tốc này đoạn từ Yên Bái đến Lào Cai, người dân ngang nhiên phá rào đi xe máy trên đường cao tốc, theo thống kê đến thời điểm hiện tại có tới 163 điểm hàng rào bị phá.

Ý thức của người tham gia giao thông là vậy, nhưng ngay cả ý thức của người xây dựng, quản lý đường cao tốc đôi khi vẫn còn chưa quen với khái niệm đường cao tốc. Xin đơn cử trên tuyến cao tốc Hà Nội- Lào Cai, nếu ai lái xe từ nơi khác đến mà nhìn theo biển báo giao thông trên tuyến đường này cũng không biết ra sao. Ví dụ: Nút giao Phù Ninh nhiều người không thể hiểu được, lẽ ra cần ghi rõ lối rẽ Việt Trì- Tuyên Quang; hay như nút giao Văn Phú cần phải ghi rõ là Thành phố Yên Bái…

Có lẽ khi xây dựng hệ thống biển báo người ta chỉ nghĩ đến địa danh của huyện này một cây cầu ở vị trí đường cao tốc đi qua, mà quên mất rằng biển báo phải rõ ràng, đơn giản, phổ thông nhất để ai cũng hiểu, mục đích chính là để phục vụ người tham gia giao thông. Đó là chưa kể biển báo vừa bé, vừa ít. Nhiều người khi đi qua chỗ mình cần rẽ mới nhận ra mình sai đường.

Trên tuyến Quốc lộ Thành phố Hồ Chí Minh- Trung Lương đoạn đi qua Long An chỉ dài trên 30 km nhưng liên tục xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc.

Trạm cân đầu đường cao tốc Hà Nội -Lào Cai

Ông Trần Văn Vũ, Chánh Văn phòng ban ATGT tỉnh Long An cho biết: “Tôi xin làm trạm nghỉ mãi không được, đường hỏng do xe quá tải nhưng có trạm cân 5 năm nay chẳng cân được chiếc xe nào.

Tại sao đụng xe vào ban đêm, đụng vào khu vực đó thì nó có nguyên nhân là khu vực này là do lài xế chạy đi đường xa không có chỗ nghỉ chân. Có những đoạn đường chỗ có đèn chỗ không có đèn, đa số đoạn tai nạn thường vào chỗ không có đèn.

Đầu tư cả tuyến cao tốc hàng chục nghìn tỷ đồng, thế nhưng trên nhiều tuyến cao tốc hệ thống rào chắn lại làm sơ sài, như rào cái ruộng rau trước nhà, nên đã xảy ra tình trạng người dân tặc lưỡi ẩn nhẹ một cái để đi qua. Cũng do làm sơ sài nên việc gia súc phá rào, chui qua đường cao tốc khá nhiều. Khi được hỏi về hệ thống giám sát bằng hình ảnh trên đường cao tốc, ông Bùi Đình Tuấn, Giám đốc Công ty vận hành bảo trì đường cao tốc Việt Nam cho biết: “Việc đưa hệ thống giám sát xử lý bằng hình ảnh ở Việt Nam còn tương đối mới, chưa phổ biến. Quy định về pháp luật liên quan  đến lĩnh vực này đang trong giai đoạn xây dựng. Một số cái cũng chưa ban hành vì chưa đủ cơ sở quy định của Nhà nước để các lực lượng chức năng dùng hình ảnh đấy để xử phạt”.

Nhiều tuyến đường cao tốc chỉ sau một thời gian ngắn đi vào sử dụng đã xảy ra hiện tượng hằn lún bánh xe. Theo các cơ quan chức năng thì nguyên nhân là do xe quá tải, họ đã xử lý rất nghiêm. Thế nhưng, mới đây khi ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã bầy tỏ băn khoăn khi chứng kiến hàng đoàn dài xe tải đỗ trước đầu vào đường cao tốc, đã xử lý xe quá tải  rất nghiêm nhưng sao đường vẫn bị hằn lún?

Ông Nguyễn Đức Minh, Thành viên diễn đàn Ôto-fun băn khoăn: Đi cao tốc Hà Nội –Lào Cai mất 600 nghìn đồng tiền phí, nhưng dịch vụ lại kém, đường chưa đáp ứng, thì liệu có được giảm tiền phí. Người tham gia giao thông vi phạm bị xử lý nghiêm, còn các đơn vị thi công, đơn vị quản lý yếu kém liệu có bị xử lý.

“Chúng tôi đã phải trả một cái phí rất cao so với mặt bằng dân sinh hiện tại để được hưởng dịch vụ đường cao tốc. Trên thực tế sử dụng thì theo tôi dịch vụ ấy chưa hoàn hảo. Do đường xuống cấp nên quy định tối đa 100km/h chúng tôi không thể đạt được tốc độ đó. Bên cạnh đó, biển báo giao thông không đầy đủ nhiều lần tôi đã vượt qua điểm mình cần rẽ vì biển quá gần và điều đó rất là nguy hiểm nếu tôi lùi xe lại rẽ ra. Ngoài ra, những dịch vụ trạm nghỉ vẫn chưa phát triển, không đầy đủ” – ông Nguyễn Đức Minh nói.

Mới đây, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã tổ chức hội nghị về an toàn giao thông trên đường cao tốc. Những ý kiến được đưa ra trước hội nghị từ việc quản lý vĩ mô, hoàn thiện pháp luật, phân cấp tránh nhiệm, ngay đến cả chuyện chó mèo vào đường cao tốc cũng được các cấp, các ngành đem ra bàn thảo, phân tích sôi nổi. Qua hội nghị mới thấy khái niệm về đường cao tốc ở nước ta còn lạ lẫm đối với người dân và ngay với cả một số cơ quan liên quan./.