Đại úy Lã Hồng Vương (cán bộ Đồn Biên phòng Pa Tần, Bộ đội Biên phòng Lai Châu) sinh ra trên quê hương Kim Sơn (Ninh Bình), nhưng cái “nghiệp biên phòng” đã đưa chàng trai miền quê mặn nồng gió biển lên với vùng núi cao sương trắng, chắc tay súng bảo vệ biên cương, giúp đồng bào biên giới, ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo.

Và trên những triền đá xám thuộc địa phận 2 xã Pa Tần và Nậm Ban (huyện Sìn Hồ) đọng lại những giọt mồ hôi của Lã Hồng Vương với nước da ngăm đen tựa đá, ngày mưa cùng tháng nắng lặng lẽ đi về như con thoi giữa các bản làng vùng sâu.      

Ông “vua” của 6 thứ tiếng dân tộc

Sau hơn 20 năm cùng “vó ngựa” dọc ngang mấy trăm mốc quốc giới của hai huyện Mường Tè (Lai Châu) và Mường Nhé (Điện Biên), nay Đại úy Vương về “định cư” tại xã Pa Tần, với cái “gia tài” nói thông thạo 6 thứ tiếng dân tộc trên địa bàn Mảng, Thái, Mông, Dao, Hà Nhì và Sán Dìu.

a2.jpg
Từ sự tận tụy của cán bộ biên phòng đời sống nhân dân ngày một phát triển

Song, điều làm chúng ta ngạc nhiên và thán phục, khi biết 6 ngôn ngữ ấy lại thuộc 5 nhóm ngữ hệ khác nhau, với những khó khăn đặc thù về ngữ âm học.

Tuy nhiên, khi đề cập đến điều này, “chủ nhân” của 6 ngôn ngữ ấy lại rất hồn nhiên:Có gì ghê gớm đâu, nếu thích ai cũng học được. Cứ gần với bà con các dân tộc, nghe bà con nói, rồi học hỏi, một thời gian “thao thao bất tuyệt” sai đâu bà con sửa cho, thế là ngôn ngữ nó “nhập” vào mình lúc nào không biết.

Quả là “danh bất hư truyền”, ai biết Lã Hồng Vương cũng đều thừa nhận một sự thật: Nghe cha ấy nói chuyện với nhân dân địa phương, nhiều lúc không hiểu anh là người dân tộc gì nữa.

Còn đối với đồng bào anh là bạn, là người con của 6 dân tộc. Ông Lý A Nhè, Chủ tịch xã Nậm Ban, nói về anh với những lời lẽ thật giản dị:Cán bộ Vương có cách tuyên truyền các chính sách của Đảng, Nhà nước, cách áp dụng khoa học, kỹ thuật nông nghiệp vào sản xuất thật thuyết phục, bà con nghe xong là nhớ và thực hiện thành thào những gì anh truyền thụ. Người dân vui nó cũng vui, người dân buồn nó cũng buồn”.

Còn Trung tá Phạm Văn Quyết - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pa Tần chia sẻ: “Nếu bà con của 6 dân tộc thiểu số trên địa bàn chưa hết nghèo thì đồng chí Lã Hồng Vương vẫn miệt mài trên những triền núi Tả Phìn với khí hậu khắc nghiệt để mang đến sự ấm ấp về cho bà con.Cậu ấy được xem thứ “vũ khí” hạng nặng của trận tuyến dân vận. Không chỉ người dân thích cái tác phong giản dị của Đại úy Vương, mà ngay chúng tôi cũng cần nêu gương để cán bộ, chiến sĩ trong toàn đơn vị học tập”.

Sứ giả mùa xuân đến bản

Trước tình hình mấy chục hộ ở bản Nậm Vạc bị kẻ xấu kích động, có ý định bỏ lại nhà cửa, trâu, ngựa... vượt biên di cư tự do, Đại úy Lã Hồng Vương quyết định một mình xuống địa bàn và mang cả tấm lòng chân thành, cùng vài lít rượu trắng, dăm lạng thuốc lào ngon và vốn ngôn ngữ Mông đỏ (Mông si), bám trụ cùng ăn, cùng ở, cùng làm, nắm bắt những tâm tư nguyện vọng của bà con.

Anh kể: “Hôm đó, bên mâm rượu, vài cây măng đắng và mấy miếng đậu phụ chấm muối ớt, tôi không hề nhắc đến những quy định, luật cư trú mà chậm rãi nói về nét văn hóa của lễ hội Gầu tào Mông (lễ hội chơi núi của người Mông) trên những thửa ruộng mùa xuân vừa mới gặt xong. Tiếp đến tôi xin phép các cụ già nhắc lại câu chuyện cổ tích “Giàng Dua, Giàng Dự”và “Khúa Kề”với ước mơ chinh phục thiên nhiên, chiến thắng cái ác, sống ngay thẳng giữa trời đất núi rừng, như truyền thống muôn đời bất khuất của các thế hệ người Mông...”

Đại úy Vương nói tiếp: “Tục ngữ người Mông có câu: “Giàu đi nhiều sẽ nghèo, nghèo đi nhiều sẽ chết”, Mông Lềnh, Mông Đơ, Mông Sí, Mông Đú hay Mông Súa thì cũng là dân tộc Mông mình cả, một dân tộc Mông cần cù, thông minh, trung thực và trọng lẽ phải, sống hoà đồng trong vòng tay thân ái của đại gia đình các dân tộc Việt Nam”... Khi tôi kể đến đó, tất cả mọi người đều nâng bát rượu lên ngang mặt, một cụ già khẽ chớp mắt, bảo: “Thằng Vương nói đúng cái lý người Mông ta rồi. Ta thay mặt bản Nậm Vạc nhận mày là người Mông Nậm Vạc. Mày hiểu người Mông ta như người Mông ta hiểu ngọn núi trước mặt, hiểu dòng suối sau lưng, hiểu cái bụng mình ăn mấy bát cơm”...

Kể từ hôm đó, Đại úy Vương trở thành một phần của bản Nậm Vạc và quan trọng hơn, là bản Nậm Vạc trở thành một phần của thế trận biên phòng toàn dân ở Nậm Ban. Mấy chục hộ định di cư tự do ngày ấy, giờ trở thành những hạt nhân an ninh tin cậy của đồn BP Pa Tần.

Về phần mình, Đại úy Vương hiểu mình đã nhận ở đồng bào một tình cảm thiêng liêng, sự tin cậy hơn, cho dù từ bữa rượu, muối ớt cay nồng, nhưng tình quân dân thì ngon ngọt lạ thường!

Có lần hai gia đình người dân tộc Mảng mâu thuẫn kịch liệt vì những tranh chấp về nương rẫy, đến mức có nguy cơ xảy ra xung đột giữa hai dòng tộc. Chuyện được chính quyền xã báo lên Đồn Biên phòng Pa Tần và không ai khác, Lã Hồng Vương lại lên đường đến “điểm nóng” ở bản Mảng Nọ để hòa giải tránh gây xung đột làm mất trật tự.

Tại đây, trong buổi hòa giải được tổ chức một cách khó khăn ở nhà trưởng bản, Lã Hồng Vương với những am hiểu về văn hóa đồng bào Mảng kể lại sử thi Soỏng Mẳngvới nội dung nói về chuyện chia đất chia mường. Đợi lúc cả hai dòng họ chăm chú lắng nghe, bất ngờ anh lồng vào đó cái ý mà mình định tuyên truyền: “Đấy, các bác thấy không? Tổ tiên người Mảng chia đất nhưng không chia lòng, chia đất là để phát triển, để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cơ!”. 

Rồi có tiếng xì xào, cả những tiếng nấc như bật ra do ân hận của các bà, các chị. Vậy là hai bên cùng nhau ký cam kết từ nay thôi hiềm khích, cởi bỏ mọi oán thù sai trái không đáng có. Ông Lý A Tảo, Trưởng bản Nậm Sào, xã Nậm Ban, Sìn Hồ, Lai Châu bảo: “Lần ấy mà không có cán bộ Vương ra tay, mình chẳng biết phải làm thế nào. Chỉ có mấy mét nương cằn khô con bọ hung không buồn làm tổ, vậy mà chúng định đưa dào búa ra nói chuyện với nhau”.

Hi sinh vì đồng bào các dân tộc     

Trong số rất nhiều phần thưởng mà các cấp, các ngành trao tặng, Lã Hồng Vương bảo thích nhất là được nghe, được thấy nụ cười giòn tan trên môi, những câu chuyện vui tười trong ngày mùa với những bông lúa vàng trịu hạt. Nhưng để có được điều đó một cách trọn vẹn anh đã phải hi sinh rất nhiều, dành toàn bộ thời gian, trí lực vì sự no ấm của đồng bào các dân tộc trên biên giới.

Để có được thành công ấy, “ông vua của 6 ngôn ngữ” Lã Hồng Vương tự mình chấp nhận những hy sinh. Vợ anh, một cô giáo cấp 2 nhà cách Đồn Biên phòng Pa Tằn hơn chục cây số, nhưng có khi hai ba tháng trời anh mới về thăm vợ, con và chị như “hòn vọng phu’ trước một “đấng quân vương” mải mê nơi mịt mùng cương thổ, ngay cả điện thoại cũng chập chờn khi có khi không. Những ngày phép hiếm hoi, anh cũng trằn trọc về những dự định, những kế hoạch sắp tới để giúp đồng bào thoát nghèo bền vững. Trong vòng tay hạnh phúc, cô giáo lặng lẽ nuốt nước mắt và thầm thương cho nỗi bận bịu của người “trấn ải” lưu đồn... 

Nhưng ký ức, mồ hôi, trí tuệ và cả tấm lòng của một người lính biên phòng ăn cơm dân, mặc áo Đảng hơn 20 năm lăn lộn nơi rừng núi điệp trung biên giới. Lã Hồng Vương hòa vào với dân mà sống, công hiến, như cá hòa vào với nước nhờ 6 ngôn ngữ được coi là bí quyết của tình quân dân nơi tận cùng sông núi Việt Nam.../.