An toàn người bệnh là sự quan tâm của mỗi quốc gia, mỗi cơ sở y tế, đặc biệt là của người dân và toàn xã hội. Trong 7 năm qua, hệ thống khám, chữa bệnh tại Việt Nam đã có nhiều đổi mới về chất lượng bệnh viện, đổi mới về cách nghĩ, cách làm, cách kiểm tra...
Tại Hội thảo quốc tế thực hiện giải pháp toàn cầu về an toàn người bệnh diễn ra sáng 12/11 tại Hà Nội, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã nêu thực trạng và giải pháp thực hiện đảm bảo an toàn người bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam. Theo đó, khoảng 1.400 bệnh viện công lập và 250 bệnh viện ngoài công lập tại Việt Nam đang tích cực chuẩn bị kiểm tra lại những hoạt động về an toàn người bệnh, đáp ứng mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm, an toàn cho người bệnh và hài lòng cho người bệnh.
Tại Hội thảo quốc tế thực hiện giải pháp toàn cầu về an toàn người bệnh diễn ra sáng 12/11 tại Hà Nội. |
“Đảm bảo an toàn người bệnh và đảm bảo an toàn phẫu thuật là mục tiêu sống còn của hệ thống y tế Việt Nam khi lấy người bệnh làm trung tâm. Việc triển khai các thông tư và hướng dẫn trên sẽ góp phần đảm bảo sự an toàn cho người bệnh khi đến các cơ sở y tế và đảm bảo an toàn khi tham gia phẫu thuật. Đây là những nội dung quan trọng đòi hỏi các cán bộ y tế phải quan tâm hàng đầu để đảm bảo an toàn, đáp ứng sự hài lòng cho người bệnh”, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê nói.
Theo ông Khuê, tại Việt Nam, có những sự việc rất hy hữu, “thật như đùa” vẫn xảy ra: “Vài năm gần đây, xảy ra sự cố là tôi phải thay mặt Bộ trưởng đến nhà bệnh nhân để xin lỗi và tìm giải pháp tốt nhất cho người bệnh. Vụ việc chạy thận tại Hòa Bình làm 9 người bệnh tử vong, nhiều lãnh đạo bệnh viện và bác sĩ điều trị đã vướng vào vòng lao lý. Đó là nỗi đau kép của người bệnh và thầy thuốc”.
Hiện nay, tỷ lệ tai biến y khoa vẫn luôn rình rập, thậm chí là ở mức cao, kể cả các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Báo cáo của một số bệnh viện trên thế giới cho thấy, bệnh nhân đang phải đối mặt với tình trạng nhiễm trùng do chính bệnh viện gây nên.
“Các mục tiêu về an toàn người bệnh mà chúng ta hướng đến, đó là xác định chính xác người bệnh, là giao tiếp hiệu quả, là an toàn sử dụng thuốc, là thuốc thật, điều trị đúng vị trí, phương pháp, đó là giảm nguy cơ nhiễm trùng trong bệnh viện và giảm nguy cơ, hậu quả do ngã. Đặc biệt là quan tâm khu vực cấp cứu và khu vực khoa phẫu thuật gây mê hồi sức”, ông Khuê nhấn mạnh.
Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê. |
Bà Catherine DeVvries, Đại học Utah (Mỹ) trình bày các chính sách can thiệp và thực hành tốt nhất trong công tác đảm bảo an toàn cho người bệnh. |
Hơn 400 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự Hội thảo cùng khẳng định, an toàn người bệnh là sự quan tâm hàng đầu của mỗi quốc gia, mỗi cơ sở y tế. Trước hết là an toàn cho người bệnh, đồng thời cũng là “an toàn” cho chính các bác sĩ. Theo đó, giải pháp đầu tiên là thay đổi “văn hóa an toàn người bệnh” bằng cách tạo môi trường giao tiếp hiệu quả trong khám chữa bệnh; thiết lập hệ thống báo cáo sự cố y khoa - chia sẻ kinh nghiệm xử lý một số sự cố về an toàn phẫu thuật; giảm tỷ lệ sai sót trong kê đơn thuốc, tối ưu hóa quy trình cấp phát thuốc đảm bảo an toàn…
Đặc biệt tại Hội thảo, Bộ Y tế đã nhận được 176 Poster báo cáo của các bệnh viện về thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn người bệnh. Ban tổ chức đã lựa chọn ra 14 Poster có chất lượng để trao giải nhằm khuyến khích các bệnh viện tham gia tích cực vào nhiệm vụ đảm bảo an toàn người bệnh, nhiệm vụ “sống còn” của mỗi cơ sở y tế./.
Bác sĩ nâng ngực làm chết người tại Thẩm mỹ Emcas dùng chứng chỉ giả
Những nguy cơ tai biến nào từ chạy thận?
Kết luận nguyên nhân gây ra sự cố chạy thận ở Nghệ An