Thời gian gần đây, hàng trăm hộ dân sống gần bãi rác xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ phải chịu ảnh hưởng tình trạng ô nhiễm môi trường, khói bụi, hôi thối từ bãi rác này.
Tiếng ồn và phương tiện vận chuyển rác ngày một tăng, đặc biệt thời điểm này đã bắt đầu vào mùa mưa, tình trạng ô nhiễm càng nặng nề và nghiêm trọng hơn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và sinh hoạt hoạt cho người dân nơi đây.
Hơn 1 năm qua, những hộ dân có đất ruộng gần bãi rác này khốn đốn; cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn vì nước rò rỉ từ bãi rác gây chết lúa; một số diện tích nằm kề bãi rác đều không thể canh tác.
Ông Lê Thanh Tùng ở ấp Thới Hiệp 2 bức xúc: “Hư hại cách đây 2,3 năm rồi, nó hư hại khoảng trên 50%. Nước mà mỗi lần tràn ra là lúa tôi chết, nước nó ra như vậy hoài kiểu này không bao giờ nông dân ở đây làm ruộng được hết. Bây giờ, tôi kiến nghị lên cấp trên, các cơ quan chức năng, làm sao giải quyết được tình trạng nước nó tràn ra như này để cho nông dân sản xuất. Nông dân mình sống, thu nhập chính là nhờ ruộng. Ruộng hư hại như vậy không có thu nhập, như vậy nợ ngày càng chồng chất thêm”.
Tình trạng ô nhiễm từ bãi rác này không những ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của bà con nơi đây mà cuộc sống sinh hoạt của hàng trăm hộ dân sống gần đó đều bị đảo lộn. Đặc biệt hơn là cách bãi rác không đầy một cây số là trạm y tế, trường mầm non và một trường tiểu học, đều phải chịu chung tình trạng ô nhiễm này. Mặc dù đã nhiều lần người dân nơi đây kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền nhưng không được khắc phục mà tình trạng gây ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng hơn.
Nước ở dưới rạch lúc nào cũng đen như vậy. |
Bà Nguyễn Thị Ánh Sương, Ấp Thới Hiệp 2 xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ không dấu được sự bức xúc: “Bãi rác này mấy năm nay hôi thối không bao giờ giảm, ống khói nó thấp bay là đà, rồi gần trường học nè, trạm xá xã nè, rồi trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, khói lên, đi họp phụ huynh, gió nó phất lên mùi hôi thối, rồi làm sao con em dân chúng ở đây chịu nổi, bây giờ nhờ các cấp giải quyết làm sao để đừng có hôi thối để khỏi ảnh hưởng đến dân chúng và con em còn nhỏ ở đây”.
Bãi rác xã Đông Thắng được khai thác vận hành từ tháng 2 năm 2010 với diện tích hơn 1 ha; khối lượng tiếp nhận và xử lý rác 15 tấn/ngày cho huyện Cờ Đỏ. Đến tháng 8 năm 2014, UBND thành phố Cần Thơ chỉ đạo mở rộng diện tích thêm 5 ha và tiếp nhận xử lý rác thải thêm cho các quận: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng và huyện Phong Điền. Như vậy, hàng ngày bãi rác tiếp nhận trung bình 300 tấn rác, cao điểm lên 400 tấn/ngày, trong khi 3 lò xử lý rác chỉ đốt khoảng 100 tấn/ ngày.
Ông Trần Chí Phương, Phó Trưởng Phòng, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cờ Đỏ cho biết thêm: “Rác đổ về địa phương rất là khó khăn, dự kiến trong hết năm nay sẽ đầy, trong quá trình xử lý, ủy ban chỉ đạo cho phòng tài nguyên môi trường, cũng ráng thực hiện phun xịt để hạn chế mùi. Còn xử lý lò đốt thì 3 lò đốt sở cấp về cho huyện khói nhiều, bây giờ để chờ và thẩm định giá sẽ hóa giá và sẽ xã hội hóa để đầu tư công nghệ cao hơn, sẽ không phun khói ra nhiều sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe”.
Người dân xung quanh bãi rác bức xúc trước tình trạng ô nhiễm. |
Được biết hiện nay, các bãi rác tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố Cần Thơ đều trong tình trạng quá tải.
Theo lãnh đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Cờ Đỏ, nếu lượng rác dồn tập trung về huyện Cờ Đỏ thì dự báo chưa hết năm nay, bãi rác này sẽ không còn chỗ chứa. Trong khi dự án nhà máy xử lý rác, lò đốt công nghệ cao của TP Cần Thơ vẫn còn kéo dài và chưa biết đến bao giờ mới hoàn thành thì hàng chục ngàn người dân ở xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ vẫn phải sống chung với ô nhiễm từ bãi rác này và sẽ còn nặng nề hơn trong những ngày mưa dầm sắp tới./.