Những năm gần đây, trên địa bàn TP. Sơn La, tỉnh Sơn La đã xảy ra nhiều vụ đá lăn từ đồi, núi cao gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Trước thực trạng này, cấp ủy, chính quyền thành phố đã tập trung triển khai nhiều giải pháp khắc phục, nhằm hạn chế nguy cơ đá lăn, nhất là trong mùa mưa lũ, đảm bảo an toàn về người và tài sản cho nhân dân.
Anh Nguyễn Hồng Phương ở tổ 12, phường Quyết Thắng, TP. Sơn La, vẫn nhớ như in những ngày cuối tháng 7/2017, sau trận mưa lớn kéo dài, cả trăm mét khối đất đá trên đồi phía sau khu dân cư bất ngờ sạt xuống, trong đó, 1 tảng đá lớn đã lăn vào nhà một hộ dân trong xóm, khiến 2 mẹ con bị đa chấn thương nặng phải đi cấp cứu. Toàn bộ nhà cửa, tài sản cũng bị hư hỏng hoàn toàn.
"Tôi cùng với mọi người khiêng khối đá ra để đưa được cô ấy ra ngoài thì cô ấy nói là cứu con em với. Lúc bấy giờ anh trai của chủ nhà soi đèn pin thì tôi nhìn thấy cháu bé, tôi lập tức bới đồ ra để cứu cháu, khi bế cháu lên thì thấy cháu đã bị đứt 1 bên chân rồi, thế là tôi ôm cháu chạy ra nhờ xe đưa đi cấp cứu, mọi người sau đó cứu nốt mẹ cháu ra", anh Phương nhớ lại sự việt xảy ra quá bất ngờ và vô cùng đau sót.
Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn TP. Sơn La đã xảy ra 5 vụ đá lăn nghiêm trọng từ những triền đồi, núi cao xuống, làm 1 người chết, 2 người bị thương; 5 nhà ở của dân bị hư hỏng, trong đó có 2 nhà bị sập đổ hoàn toàn; cùng với đó là nhiều đoạn công trình giao thông và diện tích cây trồng của người dân bị hư hỏng, vùi lấp.
Nguyên nhân xảy ra các vụ đá lăn là do đặc điểm kiến tạo địa chất với các đứt gãy điển hình, đã tạo cho TP. Sơn La có nhiều dạng địa hình đặc trưng vùng núi, với địa thế hiểm trở, nhiều đỉnh núi cao xen kẽ các hẻm sâu, mức độ chia cắt sâu và mạnh. Từ tác động của thiên nhiên và cả tác động từ phía con người, hiện tượng đá lở, đá lăn có thể xảy ra cả 4 mùa, nhưng mùa mưa lũ thì nguy cơ cao nhất.
Anh Hà Duy Thành ở bản Nong Ảng, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La cho hay: "Để phòng, chống sạt lở đất đá trong mùa mưa năm nay, gia đình tôi cùng với bà con hàng xóm và chính quyền địa phương đã đi khảo sát một số điểm có khả năng sẽ gây ra sạt lở đất đá để có những biện pháp phòng, chống trước. Đó là đào hố trước các tảng đá to, lấy cây rừng, cây tre đóng cọc chắn ở phía trước để cho những tảng đá đấy không lăn xuống khu dân cư, còn những tảng đá bé có thể di dời được thì chúng tôi đã di dời nó đến nơi an toàn".
Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND TP. Sơn La cho biết, với phương châm sự an toàn của người dân được đặt lên hàng đầu, hằng năm, UBND thành phố đã chỉ đạo Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các xã, phường xây dựng phương án phòng chống thiên tai, trong đó, tập trung vào nội dung phòng tránh nguy cơ đá lăn trên địa bàn.
"Thành phố có hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở nguy cơ cao xảy ra đá lăn để thuê đơn vị tư vấn, khảo sát để thi công những tảng đá đó đi, đảm bảo để không tiếp tục xảy ra tình trạng đá lăn trên địa bàn", ông Phương nói./.