Lạng Sơn là cửa ngõ quan trọng nối Trung Quốc và các nước ASEAN, là điểm đầu tiên của Việt Nam trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng (Việt Nam). Đây cũng là nơi có vai trò quan trọng hỗ trợ tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Nhắc đến tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, người ta thường gọi tuyến đường này với biệt danh là "cao tốc cụt" bởi hiện nay, khi hết cao tốc này, các phương tiện phải di chuyển thêm 30km nữa trên quốc lộ 1A để tới được TP Lạng Sơn và thêm 43km nữa nếu muốn tới cửa khẩu Hữu Nghị.

Ông Nguyễn Đức Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty BOT Bắc Giang- Lạng Sơn cho biết: “Các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án thì đều được địa phương đồng hành và kịp thời tháo gỡ. Kết quả sau 2 năm triển khai, dự án đã đưa vào khai thác vận hành, vượt tiến độ 3 tháng so với kế hoạch đề ra. Chúng tôi rất mong đợi dự án thành phần 2 đoạn tuyến Hữu Nghị Chi Lăng sớm được triển khai để khai thác tối đa hiệu quả của toàn tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cũng như kết nối đồng bộ với tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh để phát huy hết các tiềm năng, phát triển kinh tế của tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng nói riêng và Khu vực Bắc Bộ nói chung”.

Dù trong những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều đổi mới và phát triển nhưng sự phát triển đó chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Lạng Sơn hiện vẫn còn nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển còn hạn chế; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển... Do đó, việc xây dựng tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng để hoàn chỉnh toàn bộ đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và đẩy mạnh liên kết vùng.

Ông Bùi Hoàng Nam, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn cho rằng: “Việc xây dựng tuyến cao tốc Hữu Nghị- Chi Lăng (bao gồm tuyến kết nối với cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam) là hoàn toàn phù hợp với phương hướng, nhiệm vụ, chiến lược phát triển KTXH của đất nước trong từng giai đoạn đã được thông qua tại Đại hội XIII của Đảng. Tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi lăng sau khi hoàn thành sẽ góp phần phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng trung du miền núi phía Bắc; tạo lợi thế để Việt nam là cửa ngõ giao lưu thương mại với Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á; tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội cho tỉnh Lạng Sơn và khu vực, góp phần xóa đói giảm nghèo và giảm tai nạn giao thông…”

Vừa qua, tại buổi làm việc về Dự án đường cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu UBND tỉnh Lạng Sơn chủ động hoàn thiện các thủ tục theo quy định của pháp luật để triển khai dự án; chịu trách nhiệm thực hiện dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao khi đã lựa chọn được nhà đầu tư theo quy định; chủ động phương án bố trí các nguồn, mỏ vật liệu, bãi thải... phục vụ thi công, bảo đảm tiến độ hoàn thành trong năm 2025 và hiệu quả đầu tư của dự án.

Liên quan đến Dự án này, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND tỉnh Lạng Sơn tiếp tục rà soát kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh, cắt giảm các dự án đầu tư chưa cấp bách, hiệu quả thấp, tập trung nguồn lực để bổ sung phần còn thiếu cho Dự án từ nguồn ngân sách địa phương, bảo đảm tỷ lệ vốn nhà nước tham gia Dự án không quá 50% tổng mức đầu tư, đúng quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Đồng thời, tỉnh Lạng Sơn cũng phải khẩn trương rà soát, đánh giá kết quả triển khai dự án thành phần 1; làm việc với các nhà đầu tư của dự án thành phần 2 theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm tiến độ hoàn thành dự án trong năm 2025…

Ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết: “Tuyến kết nối theo trục dọc kết nối từ Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang lên Lạng Sơn đã hình thành tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, hiện đã đến Chi Lăng và tỉnh đang trình thẩm định chủ trương đầu tư và đang được Hội đồng thẩm định liên ngành xem xét. Trong tương lai tuyến cao tốc theo trục này sẽ kết hợp với tuyến kết nối ngang với tỉnh Quảng Ninh để từ đó tạo ra trục giao thông kết nối trực tiếp, rút ngắn thời gian lưu thông, tạo hành lang phát triển kinh tế - xã hội, là không gian, động lực phát triển mới cho khu vực miền núi Đông Bắc”.

Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cũng khẳng định công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của Dự án tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng sẽ được quan tâm, triển khai đúng tiến độ, bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan.

Việc thực hiện Dự án thành phần 2 tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng có ý nghĩa rất quan trọng, phù hợp với yêu cầu phát triển, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, góp phần vào tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của Lạng Sơn... Do đó để triển khai thực hiện tốt các nội dung, mục tiêu của Dự án, tỉnh Lạng Sơn yêu cầu các tổ chức, cá nhân cần nghiên cứu, tìm hiểu, nắm rõ các nội dung của Dự án, thực hiện nghiêm túc các quy định, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của Dự án này, để từ đó góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.