Bắt đầu từ ngày 15/8 - 15/10/2013, 8 đội CSGT của Hà Nội sẽ tập trung tuần tra, kiểm soát trong các tuyến phố ở 10 quận nội thành, trong đó có các trường học, địa điểm vui chơi công cộng, quán bar... Đặc biệt, sẽ tập trung vào các đối tượng thanh thiếu niên ngổ ngáo, đầu trọc, xăm trổ, đi xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng...

PV: Thưa ông, được biết trong thời gian qua, Công an Hà Nội đã có nhiều chuyên đề về xử lý đối tượng thanh thiếu niên vi phạm Luật Giao thông, rồi việc hóa trang, mật phục, ghi hình học sinh vi phạm. Vậy, kế hoạch lần này có những nét gì mới?

dai-ta-dao-vinh-thang.jpg
Đại tá Đào Vịnh Thắng

Đại tá Đào Vịnh Thắng:Hiện chúng tôi vẫn tiếp tục nâng cao hiệu quả của các tổ công tác 141 và mở rộng địa bàn, tập trung vào các đối tượng thanh thiếu niên không chấp hành Luật Giao thông đường bộ, lạng lách, đánh võng, mang theo vũ khí, ma túy… So với các kế hoạch trước, lần này chúng tôi tăng cường thêm lực lượng tuần tra, cũng như lực lượng hóa trang để quay phim, ghi hình những trường hợp vi phạm, sau đó thông báo cho lực lượng công khai xử lý.

Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp với lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội và các hiệu trưởng nhà trường trên địa bàn Thủ đô để đảm bảo ATGT tại các khu vực cổng trường, cũng như trên các tuyến đường học sinh đi lại. Những trường hợp vi phạm đều bị xử lý theo pháp luật, đồng thời gửi thông báo về nhà trường để kịp thời có hình thức răn đe, giáo dục. Bên cạnh đó, chúng tôi phối hợp với các cơ quan báo chí để tuyên truyền, thậm chí công khai danh tính người vi phạm trên báo chí.

Sẽ công khai danh tính thanh thiếu niên vi phạm giao thông

Khoảng một năm trở lại đây, trên địa bàn Hà Nội xuất hiện nhiều xe đạp điện của Trung Quốc, còn được gọi là xe đạp “ruồi” mà người điều khiển thường xuyên vi phạm Luật Giao thông. Ông đánh giá thế nào về mức độ vi phạm của người điều khiển loại xe này và hướng xử lý?

Thời gian qua, lực lượng CSGT thành phố đã xử lý trên 250 trường hợp đi xe đạp điện, hay còn gọi là xe đạp “ruồi”. Theo quy định, người điều khiển loại phương tiện này phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, nhưng trên thực tế có nhiều trường hợp phụ huynh học sinh chở con em mình đến trường, nhưng không chấp hành việc đội mũ bảo hiểm, đều bị lực lượng chức năng nhắc nhở, xử lý.

Nhiều trường hợp chúng tôi phải chở các em học sinh đến trường để kịp giờ học, còn bố mẹ các cháu phải ở lại làm thủ tục nộp phạt. Và trong kế hoạch 79 này, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì xử lý đối với các trường hợp đi xe đạp điện mà không chấp hành theo quy định.

PV: Rõ ràng, các biện pháp ngăn chặn, xử lý đối với các trường hợp vi phạm đã thể hiện sự kiên quyết và răn đe, song trên thực tế các vi phạm vẫn chưa thuyên giảm. Vậy đâu là nguyên nhân, thưa ông?

Đại tá Đào Vịnh Thắng: Tôi cho rằng, trong những năm qua và đặc biệt là trong những tháng đầu năm 2013, Sở GD&ĐT và các nhà trường đã làm tốt công tác đảm bảo ATGT, thậm chí còn áp dụng nhiều hình thức kỷ luật rất nghiêm khắc đối với học sinh vi phạm. Tuy nhiên, cái yếu nhất hiện nay là ý thức của các em học sinh, trong đó có nhiều trường hợp biết luật nhưng vẫn vi phạm, thậm chí tái phạm nhiều lần. Vì vậy, tôi cho rằng ý thức quyết định toàn bộ việc chấp hành luật. Điều quan trọng nữa là việc phối hợp giữa gia đình và nhà trường, kết hợp với hướng dẫn và xử lý để các em hiểu, chấp hành, nhằm từng bước nâng cao văn hóa giao thông cho các em.

PV: Cảm ơn ông./.