Ngày 5/4, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Phạm Thị Hải Chuyền đã có buổi đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đã trao đổi, giải đáp các vấn đề mà người dân, dư luận quan tâm như đào tạo dạy nghề, an toàn lao động, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ…

Một triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề

Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2012-2015 gồm 6 dự án hết sức quan trọng trong giai đoạn nay. Bộ trưởng khẳng định, cả 6 đề án của Chương trình đã khởi động tích cực. Theo đó, về đổi mới dạy nghề, Chính phủ đã đồng ý tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển cơ sở dạy nghề, hỗ trợ cho giáo viên đi học và nghiên cứu tại nước ngoài để về giảng dạy, đồng thời tiếp nhận giáo trình phù hợp với doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.

Về Đề án số 1956, đánh giá sơ bộ sau 3 năm triển khai, Ban chỉ đạo Chương trình khẳng định đây là đề án đúng đắn, chuyển biến tích cực, với số lao động nông thôn được đào tạo nghề trên 1 triệu người. Sau khi được đào tạo họ đã có việc làm.

dsc04049.jpg
Dạy nghề cho lao động trẻ tại Nghệ An

Hiện cả nước có 64 trung tâm dạy nghề của các tỉnh thành phố và trên 66 trung tâm của các Bộ, ngành Trung ương. Các trung tâm đã đi vào hoạt động, nhiều trung tâm hoạt động hiệu quả, là nơi kết nối cung cầu lao động. Tuy vậy, cùng với một số trung tâm có cơ sở vật chất tốt và đội ngũ cán bộ giàu kinh nghiệm, có phương pháp thì cũng còn một số trung tâm chưa có kinh nghiệm và đội ngũ cán bộ chưa thực sự tinh thông, vì vậy với chỉ tiêu giúp đỡ người lao động tìm việc làm thông qua các trung tâm là 30%, có trung tâm đã đạt được nhưng có trung tâm chưa đạt được.

Tại buổi đối thoại, có phản ánh cho rằng vẫn còn tình trạng nông dân được đào tạo nghề nhưng do không có khả năng mở cơ sở sản xuất, kinh doanh và cũng không thể tìm được việc làm, dẫn đến tình trạng “học để đấy”, lâu dần bị mai một, lãng phí. Bộ trưởng Bộ LĐTBXH nói: “Tôi có lời khuyên các bạn đã học nghề nên hợp tác với nhau để mở cơ sở. Ở nông thôn có chương trình cho người học nghề được vay vốn, với mức vay không quá 20 triệu đồng. Còn nếu nghề mà bạn học đã có nhiều người làm rồi thì bạn nên liên hệ các trung tâm giới thiệu việc làm ở địa phương khác, vì có thể họ lại đang có nhu cầu”.

Lời giải cho bài toán “nghỉ hưu” và “thất nghiệp”

Đối với những tranh cãi về đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu với lao động nữ, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Tháng 6/2012, Bộ luật Lao động được ban hành, Điều 187 quy định nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi nghỉ hưu, những trường hợp đặc thù có thể nghỉ trước theo quy định tại Khoản 2. Khoản 3 quy định người lao động có trình độ chuyên môn cao, người lao động làm quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu quá tuổi nhưng không quá 5 năm theo quy định tại Khoản 1 Điều này.

“Đây là vấn đề nhạy cảm và khó. Chúng tôi được Chính phủ giao chuẩn bị Nghị định này, chúng tôi rất thận trọng, mở rộng thông tin xin ý kiến hai chiều” – Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH tại buổi đối thoại trực tuyến (Ảnh: Chinhphu.vn)

Về ý kiến cho rằng những người có kinh nghiệm, nhất là nữ, nên kéo dài thời gian nghỉ hưu để phát huy năng lực và cũng là thực hiện bình đẳng giới. Tuy nhiên, theo đó thế hệ trẻ, những người được đào tạo cơ bản mà hiện nay không có việc làm bởi có những địa phương có từ 15.000 - 25.000 người đã được đào tạo đang thất nghiệp, Bộ trưởng cho biết: “Chúng tôi đang rất cân nhắc và tranh thủ ý kiến một cách thận trọng hơn để tới đây trình Chính phủ phương án theo đúng các quy định của luật, nhưng đồng thời xử lý được vấn đề mà 2 luồng ý kiến trên đặt ra. Bên cạnh đó, phải có lộ trình để những người có khả năng được tiếp tục trọng dụng và phát huy, cũng như các bạn trẻ có cơ hội việc làm. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xin ý kiến và tới đây hoàn thiện phương án để được đồng thuận cao”.

Tăng cường kiểm tra các chủ sử dụng lao động

Theo thống kê, trong năm 2012 cả nước để xảy ra hơn 6.700 vụ tai nạn lao động làm hơn 600 người chết, hơn 6.300 người bị thương. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, đây là điều đáng tiếc. Công tác an toàn lao động hiện là một vấn đề nhức nhối cho cả xã hội. Tất cả người dân khi đi làm đều mong được đảm bảo an toàn, mong muốn sau mỗi làm việc trở về nhà bình yên, không phải đón nhận tin xấu về người thân liên quan tới tai nạn lao động.

Thế nhưng thời gian qua, chúng ta có triển khai công tác tuyên truyền nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn. Một vấn đề quan trọng là giáo dục ý thức đảm bảo an toàn của người lao động, trách nhiệm của chủ sử dụng lao động chưa cao. Chưa kể một bộ phận chủ lao động dù có biết, nhưng có hiện tượng vì lợi nhuận mà lơ là trách nhiệm đối với tính mạng của người lao động. 

Bộ trưởng cũng cho biết: Hiện số lượng cán bộ làm công tác thanh tra so với đối tượng cần thanh tra quá mỏng. Chính vì vậy, tình trạng người lao động và người sử dụng lao động không chấp hành nghiêm túc quy định về ATVSLĐ, dẫn đến tai nạn lao động như thời gian qua.

Về giải pháp hạn hạn chế tai nạn lao động, Theo Bộ trưởng LĐTBXH, thời gian tới sẽ tăng cường hơn nữa công tác quản lý, thông qua việc thanh tra và xử nghiêm những trường hợp vi phạm.

Bộ trưởng nói: “Chúng tôi được Chính phủ giao trình Quốc hội Dự luật về ATVSLĐ trong năm 2014. Những vấn đề bất cập trong công tác thanh tra ATVSLĐ sẽ được đề cập với hướng rất tích cực, đó là xây dựng đội ngũ những người làm công tác thanh tra lao động mạnh hơn, các cơ quan quản lý Nhà nước về ATVSLĐ được tiến hành thanh tra công tác ATVSLĐ. Như vậy sẽ góp phần sớm phát hiện và xử lý những trường hợp sử dụng lao động không chấp hành luật về ATVSLĐ.

Tới đây, chúng tôi sẽ tăng cường các lớp bồi dưỡng kiến thức về ý thức an toàn lao động, thực hiện pháp luật về an toàn lao động. Tuyên truyền về ý thức an toàn lao động sẽ được đưa tới các trường học. Biện pháp nữa là tăng cường kiểm tra các chủ sử dụng lao động trong việc thực hiện pháp luật về an toàn lao động”./.