Tiếp theo Công điện số 01/CĐ-LĐTBXH ngày 31/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội gửi tới Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc công nhân ngừng bày tỏ quan điểm không đồng tình với quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, ngày 01/4/2015, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Công văn hỏa tốc số 1127/LĐTBXH-BHXH về việc ghi nhận ý kiến, kiến nghị của người lao động.

Theo đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Ngày 31/3/2015, Bộ LĐ-TBXH có Báo cáo số 38/BC-LĐTBXH gửi Thủ tướng Chính phủ trong đó đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, giải quyết theo hướng linh hoạt, cho phép người lao động tự lựa chọn giữa hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu thời gian đã đóng để tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội và hưởng lương.Bộ LĐ-TB-XH đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, ban ngành có liên quan thông báo ý kiến chính thức của Bộ LĐ-TBXH đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ để người lao động sớm trở lại làm việc, ổn định tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.Trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Bộ LĐ-TBXH tiếp tục nhận các ý kiến, kiến nghị, phản ánh của người lao động liên quan đến các nội dung quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

Trước đó, nhằm giải đáp những thắc mắc của công nhân liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội, trưa ngày 31/3, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp đã có buổi gặp gỡ, đối thoại với công nhân Công ty Pouyuen (quận Bình Tân, TP.HCM).

Tại buổi gặp gỡ, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng, các công nhân đình công là do chưa hiểu rõ Điều 60 trong luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014. Theo đó, điều luật này có sự chuyển biến tích cực đối với quyền lợi người lao động, khuyến khích họ tích lũy thời gian tham gia BHXH để có đủ điều kiện, được hưởng lương hưu... ổn định đời sống khi về già. "Thu nhập thường xuyên này tốt hơn rất nhiều lần so với chỉ nhận một lần sau khi hết tuổi làm việc", Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết thêm.Quy định này cho phép người lao động được cộng dồn thời gian tham gia BHXH. Khác với trước đây, khi nghỉ việc gián đoạn và nhận bảo hiểm một lần, đến khi người này đi làm muốn đóng lại để tính cho đủ năm thì không được phép.Mặt khác, trong luật mới, người lao động khi chấm dứt hợp đồng với doanh nghiệp sẽ được hưởng chế độ thất nghiệp, được tư vấn việc làm. “Đến khi người này làm việc, tham gia bảo hiểm xã hội sẽ được cộng dồn. Như vậy, người lao động hoàn toàn có thể tích lũy được thời gian để đủ diều kiện nhận lương hưu”, Thứ trưởng giải thích.Thứ trưởng còn cho biết, trong luật BHXH năm 2014, Điều 87 quy định, trường hợp muốn tích luỹ thời gian đóng bảo hiểm theo hướng tự nguyện mà quá khó khăn thì chính phủ sẽ có chính sách hỗ trợ một phần mức đóng, về thời gian đóng để đảm bảo họ được hưởng lương hưu.

Trường hợp người lao động không may qua đời trong thời gian chờ nhận trợ cấp một lần, theo Điều 66, BHXH sẽ hỗ trợ tiền mai táng phí là 10 lần mức lương cơ sở tại tháng người lao động mất. Bên cạnh đó, nếu người này đóng đủ BHXH 15 năm trở lên thì thân nhân còn được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng theo Điều 67 của Luật BHXH. Nếu người đã mất không đóng đủ thời hạn này thì gia đình sẽ được nhận tiền tuất một lần theo Điều 69 của Luật này.

Cùng với sự giải thích, trấn an của chính quyền địa phương, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng kêu gọi người lao động quay trở lại làm việc. Lãnh đạo UBND TP.HCM đang làm việc với Công ty Pouyuen để có buổi tiếp xúc giữa Thứ trưởng với các công nhân./.