Bà con mong muốn di dời đến nơi ở mới
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Bình Sơn 1, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, 48 năm qua chưa bao giờ ông Moong Văn Hùng (dân tộc Khơ Mú) chứng kiến cơn lũ quét hung dữ như thế này. Suốt những ngày lũ dữ tràn về, ông Hùng như người “mất hồn, mất vía”, chỉ cần nghe một tiếng động nhỏ cũng đủ khiến ông giật mình.
Nhớ lại ngày hôm đó, lúc đêm khuya 2/10, lũ quét lũ ống đổ về qua khe, ông Hùng đã vận động bà con xung quanh và người thân bỏ của chạy thoát thân. Cơn lũ lúc đó, chưa quét tới căn nhà của ông Hùng. Đến 6h30 sáng 3/10, nước lũ ào ào đổ về lần nữa, cơ ngơi của gia đình ông bị cuốn phăng đi.
“Khi nhìn thấy toàn bộ nhà cửa trôi đi, mấy ngày này tôi không ăn uống được gì cả. Cứ nghĩ từ nay trở đi chẳng có nhà nữa mà tôi lo lắm đây”, ông Hùng nói.
Từ ngày lũ về, ông Hùng bận với nỗi lo toan nhà cửa. Cả nhà cả cửa có mỗi một con trâu đang thả trên đồi, ông cũng chưa lên ngó ngàng được. Thêm vào đó, con trai lớn chuẩn bị cưới vợ, 2 bên gia đình đã chốt ngày càng khiến ông như ngồi trên đống lửa.
“Con trai sinh năm 1999. Cháu chuẩn bị lấy vợ, giờ nhà cửa chẳng còn không biết lấy cái gì làm đám cưới đây”, ông Hùng kể.
Trước những nỗi bất an về việc không nhà cửa, không tài sản thì ông Hùng hiểu rằng, nỗi lo lớn nhất của gia đình chính là không thể dựng nhà trên mảnh đất từng là rốn lũ này nữa. Giờ đây ông cũng như bà con ở đây chỉ có thể mong chính quyền nhanh chóng di dời bà con đến nơi an toàn để an tâm xây dựng cuộc sống.
“Nếu có chủ trương có kế hoạch, mong cấp trên tạo điều kiện giúp người dân bản Bình Sơn 1 di dời đến nơi an toàn không có lũ quét, lũ ống. Thứ 2 nữa quy hoạch được vùng chăn nuôi sản xuất. Hiện tại bà con ở đây vẫn chưa đi coi nương rẫy xem còn con bò, con trâu nữa không, vì vùng chăn nuôi ở cách xa nơi ở. Sợ lũ quét về, đàn gia súc cũng bị cuốn trôi cả rồi”, ông Hùng cho biết.
Những tưởng tuổi già được vui vầy bên gia đình trong căn nhà nhỏ, bình yên ở xã Tà Cạ. Thế rồi chỉ một đêm, cơn lũ dữ đổ về quét trôi cả căn nhà của ông bà Moong Như Bình.
Đôi mắt trũng sâu, ông Bình đưa mắt chăm chăm nhìn về ngôi nhà chỉ còn trơ trọi mấy cọc gỗ vắt vẻo đang được các chú bộ đội, hàng xóm tháo dỡ hộ.
“Chẳng còn chi nữa rồi. Nước lũ về không biết cái gì nữa. Chỉ biết tháo chạy được người thôi. Giờ tiếc cũng chả biết làm gì nữa. Thiên nhiên mà”, ông Bình buồn rầu nói.
Tương lai phía trước của gia đình ông Bình cũng như các hộ dân chịu thiệt hại nặng nề trong cơn lũ quét vừa qua chỉ có thể dựa vào sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền huyện Kỳ Sơn. Với bà con nơi đây, cơn lũ quét như một cơn ác mộng kinh hoàng khiến họ sẽ còn nhớ mãi không thôi.
“Giờ ở đây chẳng thể ở được nữa rồi. Cũng chưa biết chuyển đi đâu”, là những câu cảm thán mà người dân mất nhà ở Kỳ Sơn canh cánh trong lòng.
100% hộ dân trong vùng lũ quét tán thành đến nơi ở mới
Cơn lũ quét qua huyện Kỳ Sơn vào ngày 2/10 được đánh giá là cơn lũ nguy hiểm và trong lịch sử, trăm năm trở lại đây, chưa từng xảy ra hiện tượng này. Trước những thiệt hại do lũ quét, lũ ống gây ra lãnh đạo huyện Kỳ Sơn đã trực tiếp xuống cơ sở gặp mặt, chia sẻ với bà con trong điều kiện khó khăn, cũng như vận động người dân để xây dựng dự án tái định cư.
Tuy nhiên, việc tái định cư ở Kỳ Sơn rất khó khăn, bởi 99% đồi núi, chỉ có 1% đồng bằng, vì thế việc tìm kiếm mặt bằng là điều không dễ dàng. Vì thế, 4 ngày sau khi lũ về, lãnh đạo huyện Kỳ Sơn đã nhanh chóng đẩy nhanh việc tìm kiếm khu vực để xây dựng khu tái định cư, sớm ổn định cuộc sống cho người dân.
“Đến ngày thứ 4 cơn lũ quét xảy ra, chúng tôi đã tổ chức khảo sát ngay vị trí để xây dựng khu tái định cư. Địa điểm này cách bản Hòa Sơn khoảng 1km và khu đất này cũng nằm trong xã Tà Cạ. Theo như đánh giá ban đầu, đây là khu đất rất thuận lợi và an toàn”, ông Minh cho biết.
Cũng theo ông Minh, đây là cơn lũ quét kinh hoàng, do vậy người dân cũng ý thức được việc di dời là điều quan trọng nhất. Do vậy 100% người dân nằm trong vùng lũ quét rất muốn được chuyển đến nơi ở mới.
Trước mắt, địa phương lo lắng nhất vấn đề kinh phí. “Bởi theo dự toán bước đầu cần gần 70 tỷ đồng cho việc xây dựng cơ sở vật chất, chưa bao gồm nhà ở của người dân. Dự kiến lúc nào có tiền sẽ triển khai ngay lúc đó, hiện huyện đang tiến hành lập báo cáo và chuẩn bị mặt bằng”, ông Minh cho biết.
Hiện nay huyện Kỳ Sơn đang tiến hành quy hoạch, lập khu tái định cư rộng khoảng 15ha. Diện tích này dự kiến sẽ là nơi tái định cư cho khoảng 200 hộ của nhiều xã trong đó có 72 gia đình của bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, hiện đang nằm trong vùng có phạm vi sạt trượt và trôi nhà cửa sau cơn lũ./.