Làm sao có thể đến trường khi gia đình của các em nhà thì mất, nhà thì bị trôi sạch đồ đạc. Bố mẹ các em còn đang bộn bề lo toan cuộc sống khi toàn bộ gia sản đã bị trôi theo dòng nước lũ.
Bên dòng suối Huổi Giàng, những đứa trẻ 6-7 tuổi người dân tộc Thái, với đôi mắt tròn to, lạ lẫm nhìn dòng người qua cầu để vào bản làng mình. Với các em, chưa bao giờ bản làng mình lại đông đúc, nhộn nhịp đến thế. Và có lẽ, hộp thịt nguội mà các nhà hảo tâm vừa mang đến hỗ trợ đồng bào là món ăn ngon nhất các em được ăn trong những ngày qua.
- Các con đang ăn gì vậy?
- Thịt này.
- Có ngon không con?
- (Gật đầu).
- Mấy hôm rồi con ăn gì?
- Mì, cơm, rau, thêm nửa cái trứng…
Nhút nhát, tò mò là thế nhưng khi được hỏi có nhớ trường lớp, nhớ thầy cô, bạn bè hay không? Bạn nhỏ nào cũng mong muốn đến trường, bởi ở đó, các em được học cái chữ để lên lớp cao hơn, “để nói chuyện được với người Kinh”…
“Nhà con trôi hết đồ rồi. Sách vở cũng trôi đi hết. Con ở nhà cũng buồn lắm. Con nhớ thầy cô, nhớ lớp, muốn đi học cái chữ”, em Kha Thị Phương Thảo, trường Tiểu học thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn nói.
“Nhà con cao nên sách vở không bị mất nhưng vẫn chưa được đi học. Nhớ bạn, nhớ cô, nhớ lớp lắm”, em Lô Thị Anh Thơ, học sinh trường Tiểu học Tà Cạ nói.
Toàn huyện Kỳ Sơn vẫn còn 11 trường chưa thể tổ chức dạy học trở lại với gần 3000 học sinh bị ảnh hưởng.
Chị Vi Thị Tha ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ cho biết nhà có 2 đứa con, nhưng bây giờ sách vở của con cũng như đồ đạc trong nhà thứ thì bị nước lũ cuốn trôi, thứ thì vẫn còn vùi trong đất đá sau khi đất lở gần hết ngôi nhà. Nhà cửa bề bộn. Thương con lắm nhưng chị cũng chưa biết phải làm sao.
“Nhà tôi ở trên đồi, sập xuống là đi hết. Quần áo không còn. Bát đũa, tủ… không còn cái chi cả. Nhà 4 người đang phải đi ở nhờ nhà người khác. May bà con trong bản giúp ăn. Con bây giờ không đi học nữa”, chị Tha buồn bã nói.
Còn với chị Lương Thị May, hơn 2km đường đến trường của con giờ lại thành quá xa xôi khi đường đi chưa thông suốt, bởi hai cây cầu khỉ chênh vênh là đường nối duy nhất của bản Hòa Sơn với thị trấn Mường Xén, nơi con trai chị đang học.
“Cô giáo có nhắn lên nhóm là đưa các con đến trường, nhưng đường thế này làm sao mà đi được. Nhà tôi có 3 đứa. Đứa lớn lớp 9 tự đi được, đứa thứ hai lớp 4 và đứa bé mầm non nữa. Gia đình không đưa con đi được. Nhà đang lộn xộn, bộn bề, chưa thể sắp xếp được”, chị May cho hay.
“Sách vở của con rửa phơi dùng tạm được thì phơi. Cái nào lấm lem quá thì phải bỏ. Coi như lại phải sắm sửa từ đầu. Nếu các ban ngành, tổ chức ủng hộ sách vở, đồ dùng học tập cho các cháu thì tốt quá”, chị May nói.
Bản Hòa Sơn và Sơn Hà (xã Tà Cạ) là hai trong số những bản nghèo nhất của Kỳ Sơn, huyện miền núi nghèo nhất cả nước. Đây là nơi sinh sống chủ yếu của 3 dân tộc là H’mông, Thái và Khơ Mú.
Với những người dân bản nơi đây, bình thường lo đủ cái ăn, cái mặc, con cái được đến trường là cả nỗ lực lớn. Còn giờ đây, nơi ở thêm bộn bề, con đường đến trường vẫn ngổn ngang, họ chưa biết đến khi nào mới có thể khôi phục cuộc sống bình thường./.