Vụ sập nhà hàng nổi ở Ninh Thuận làm 2 người chết, 4 người bị thương, hàng trăm người hoảng loạn, đã cho thấy sự buông lỏng quản lý các hoạt động du lịch tại địa phương. Đến khi tai nạn đáng tiếc xảy ra, tỉnh Ninh Thuận mới rà soát trách nhiệm, chấn chỉnh hoạt động của các nhà hàng nổi mất an toàn.

Nhà hàng nổi của Công ty du lịch Vĩnh Tiến bất ngờ bị sập vào ngày 23/7 vừa qua là một trong số 6 nhà hàng nổi hoạt động ở vịnh Vĩnh Hy. Trước đây, những nhà hàng nổi này là bè nuôi cá, sau lại được chuyển thành nhà hàng hải sản.

Những năm gần đây, nhờ công tác quảng bá, vịnh Vĩnh Hy được đông đảo du khách trong nước và quốc tế biết đến. Các nhà hàng nổi này cùng dịch vụ tàu đáy kính chở khách ngắm san hô được ngành du lịch địa phương xem là điểm nhấn để thu hút du khách.

nha_noi_2_vov_gpjs.jpg
Nhà hàng Vĩnh Tiến lúc chưa bị sập (Ảnh chụp năm 2015)

Tuy nhiên, sau sự cố nhà hàng Vĩnh Tiến, ngành du lịch lại muốn đùn đẩy trách nhiệm quản lý qua các ngành khác. Ông Hồ Sỹ Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho rằng, về giấy phép là Sở Kế hoạch đầu tư cấp phép, còn về quản lý các hoạt động là thuộc Sở Giao thông Vận tải quản lý.

Còn theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Ninh Thuận, các nhà bè nuôi cá trên vịnh Vĩnh Hy trước khi chuyển qua làm nhà hàng là thuộc quản lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nuôi trồng thủy sản. Nhưng khi chuyển qua đăng ký kinh doanh nhà hàng nổi, thì thuộc quản lý của ngành giao thông trên lĩnh vực bến thủy nội địa.

Vào năm 2015, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Ninh Thuận đã tiến hành kiểm tra và kết luận các nhà hàng nổi này không đủ điều kiện hoạt động theo quy định. Nhưng trước câu hỏi vì sao ngành chức năng chậm xử lý, ngăn chặn, thì Sở Giao thông Vận tải chưa có câu trả lời dứt khoát.

Ông Võ Đức Triều, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Ninh Thuận nói: “Về trách nhiệm, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ có cuộc họp mổ xẻ vấn đề; trách nhiệm của ngành nào, đến đâu, như thế nào. Thực ra nhà hàng nổi liên quan đến rất nhiều ngành ở địa phương. Do đó, chúng tôi không dám khẳng định rằng trách nhiệm này thuộc về ai, như thế nào”.

Các du khách có mặt trên nhà hàng nổi Vĩnh Tiến thời điểm xảy ra tai nạn cho biết, vì ham lợi nhuận, cơ sở này đã đón quá đông khách. Hàng trăm du khách quá tải, chen chúc cùng một lúc trên cái nhà bè cũ kỹ, xung quanh không có các phương tiện cứu hộ cứu nạn. Lúc bè bị sập, mọi người không kịp trở tay.

Chị Trần Thị Hồng trong đoàn khách TP HCM may mắn thoát nạn cho rằng, các công ty dẫn tour cũng có phần trách nhiệm trong việc này. Bởi lẽ, họ tổ chức tour cũng cần chọn những nơi đảm bảo an toàn cho chuyến đi của khách.

Chị Hồng nói: “Tôi đi theo tour du lịch, chứ không phải tự đi. Người ta đưa tới đâu ăn thì biết nơi đó.Tuy nhiên, trách nhiệm tour du lịch cũng phải tìm hiểu kỹ những cái nơi đưa du khách đến”.

Các hoạt động du lịch trên vịnh Vĩnh Hy phải tạm ngưng sau vụ tai nạn

Ngay sau sự cố sập nhà hàng Vĩnh Tiến, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã đình chỉ các cơ sở còn lại, kể cả dịch vụ tàu đáy kính chở khách trên vịnh Vĩnh Hy. Bao giờ các nhà hàng nổi và phương tiện đảm bảo các quy định về an toàn cho du khách, tỉnh Ninh Thuận mới gỡ bỏ lệnh cấm.

Ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho biết: Thời gian địa phương tập trung xử lý sẽ do các cơ quan chức năng tập trung và báo cáo cho Ủy ban nhân dân tỉnh. Khi các cơ sở này đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật, đảm bảo tuyệt đối an toàn, Ủy ban nhân dân tỉnh mới cho hoạt động trở lại.

Trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân để xảy ra vụ sập nhà hàng nổi làm 2 người chết, 4 người bị thương cũng đang được Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo làm rõ. Khi có kết luận cụ thể, tỉnh Ninh Thuận sẽ thông tin đến công luận./.