Khu vực Miền Trung và Tây Nguyên có hệ thống hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện dày đặc với hơn 3.500 hồ chứa lớn nhỏ. Sau thảm hoạ vỡ đập thủy điện ở Lào, người dân vùng hạ du các hồ chứa càng lo lắng. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu tổng rà soát toàn bộ hệ thống thuỷ lợi, thủy điện, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.

thuy_dien_1_gxpj.jpg
Công trình Thuỷ điện sông Tranh 2.

Tỉnh Quảng Nam là địa phương có nhiều hồ chứa, thuỷ lợi thuỷ điện. Hiện trên hệ thống sông Vu Gia -Thu Bồn có gần 40 dự án thủy điện lớn nhỏ. Không phủ nhận hiệu quả mang lại từ thuỷ điện nhưng hệ luỵ của nó gây ra cũng không hề nhỏ. Năm nào cũng vậy, đến mùa mưa lũ, người dân ở dưới công trình thuỷ điện nơm nớp lo sợ vỡ đập, xả lũ. Còn nhớ giữa tháng 9 năm 2016, người dân hoảng loạn khi thủy điện sông Bung 2 vỡ hầm dẫn dòng. Nhiều ngôi làng thuộc xã La Êê và xã Zuôih, huyện miền núi Nam Giang bị nhấn chìm. Hàng nghìn người dân ở vùng hạ du huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn và thành phố Hội An hoảng sợ, chạy sơ tán ngay trong đêm.

Sự cố vỡ đập thuỷ điện tại tỉnh Attapeu, Lào và những trận động đất kích thích xảy ra ở khu vực thuỷ điện Sông Tranh 2, tỉnh Quảng Nam những ngày gần đây khiến người dân thêm lo lắng. Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thừa nhận, việc phát triển dày đặc các nhà máy thủy điện thời gian qua bộc lộ nhiều bất cập. Trong quá trình vận hành cho thấy, việc phê duyệt thiết kế, dung tích phòng lũ chưa được tính toán khoa học.

Ông Lê Trí Thanh cho biết, địa phương đang tổng rà soát các công trình thuỷ điện vừa và nhỏ: “Các thuỷ điện nhỏ của tỉnh Quảng Nam đã có xem xét điều chỉnh, giảm thuỷ điện không cần thiết, ảnh hưởng rừng tự nhiên. Tuy nhiên, cơ bản các thuỷ điện vừa và nhỏ này không có hồ chứa mà ở thượng nguồn của các nhánh sông nhỏ thuộc hệ thống sông Thu Bồn - Vu Gia, phía dưới là các thuỷ điện lớn, tổng dung tích khoảng 2,5 tỷ mét khối nước. Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đang tổng rà soát các thuỷ điện trên địa bàn, đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ”.

Hình ảnh vùng hạ lưu sông Ba, tỉnh Phú Yên bị ngập lụt do thuỷ điện xả lũ trong năm 2017.

Sau sự cố vỡ đập thuỷ điện tại Lào, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã triệu tập cuộc họp khẩn, lưu ý các địa phương khẩn trương rà soát các công trình thuỷ điện trên địa bàn. Mới đây, Đoàn công tác của Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống Thiên tai đã kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại tỉnh Phú Yên.

Thiếu tướng Ngô Quý Đức, Cục Trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn Bộ Quốc phòng, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn lưu ý, từ sự cố vỡ đập thuỷ điện tại Lào đặt ra những vấn đề cần quan tâm trong công tác ứng phó với sự cố vỡ đập thuỷ điện. Các địa phương cần có phương án thật chi tiết, chặt chẽ ở các vùng chịu ảnh hưởng bởi các công trình thuỷ điện.

Hình ảnh thành phố Hội An ngập lụt trong năm 2017.

Thiếu tướng Ngô Quý Đức đề nghị các địa phương sẵn sàng các phương án ứng phó khi có tình huống xấu, đặc biệt là phương án di dời dân khi thuỷ điện xả lũ: “Thực tế, việc làm kế hoạch sơ tán nhân dân các cấp chưa được chú ý tới. Việc xây dựng kế hoạch thông báo báo động nguy cơ vỡ đập cho cấp ủy chính quyền địa phương và nhân dân biết để chủ động đi sơ tán, thủy điện hàng năm đều có tổ chức, nhưng cần phải tiếp tục mở rộng đến với cả các gia đình ở vùng hạ lưu để người ta biết. Tình huống ứng phó sự cố vỡ đập, đê điều là rất quan trọng. Chuẩn bị lực lượng, địa điểm đi các nơi sơ tán khi có nguy cơ vỡ đập.Chúng tôi sẽ tiếp tục soạn thảo các đề cương để hướng dẫn cho toàn quốc triển khai thực hiện”.

Các tỉnh Miền Trung địa hình dốc núi cao, muốn có hồ chứa dung tích lớn thì phải xây đập cao. Đáng lo ngại là, nhiều thủy điện không có cống xả đáy, xả bù cát, hồ chứa không thiết kế dung tích phòng, cắt lũ.

Hiện nay, cả nước có 1.200 hồ chứa thuỷ lợi bị hỏng, trong đó khu vực Miền Trung - Tây Nguyên chiếm hơn một nửa. Năm 2017, do ảnh hưởng liên tiếp những trận mưa lớn, khu vực Miền Trung xảy ra 16 sự cố về đập, hồ chứa. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 19 tỉnh khu vực Miền Trung - Tây Nguyên sửa chữa, nâng cấp 47 hồ chứa.

Mỗi lần thuỷ điện xả lũ, vùng hạ lưu Quảng Nam ngập nặng.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục Trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho rằng, đối với các hồ chứa hỏng nặng, thiếu khả năng xả lũ, trong khi chưa được nâng cấp sửa chữa cần hạn chế hoặc không tích nước để đảm bảo an toàn: “Thủ tướng đã trích nguồn ngân sách dự phòng của năm 2018 này với kinh phí cho hệ thống hồ chứa là 500 tỷ đồng và hệ thống đê điều bị sự cố năm 2017 là 1.300 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm. Có điều là tình hình thiên tai đang diễn ra rất phức tạp, rất khốc liệt, cho nên chỗ nào cũng cần nguồn vốn, chỗ nào cũng cần hỗ trợ. Vì thế, chúng ta cần phải lựa chọn chỗ nào cần hỗ trợ trước”./.