Buổi tiếp xúc cử tri của Tổ đại biểu số 7, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM gồm các đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM, Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội và Trịnh Ngọc Thúy, Phó Chánh án Tòa án nhân dân TPHCM với cử tri Quận 2 vào chiều qua đã kéo dài từ 14g đến hơn 20g mới kết thúc. Biết bao nỗi niềm, bao bức xúc dồn nén từ mười mấy năm qua đã được người dân giãi bày qua những lời tâm sự đẫm nước mắt, nhiều lúc xen lẫn sự giận dữ.

hcm1_vov_wsoo.jpg
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TPHCM.

Trước khi buổi tiếp xúc cử tri diễn ra, đông đảo người dân đã có mặt tại Trung tâm học tập chính trị Quận 2, mang theo những đơn từ, hồ sơ… để trình bày với các đại biểu quốc hội. Phải đến 14h10 phút, tình hình mới được ổn định trở lại để buổi tiếp xúc cử tri chính thức bắt đầu. Hội trường chật cứng người dân và đích thân Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm phải lên tiếng, mang thêm ghế ngồi cho bà con cử tri.

Buổi tiếp xúc nóng ngay khi cử tri bắt đầu nêu ý kiến. Đây đa phần là những người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án khu đô thị Thủ Thiêm. Bà Lê Thị Bạch Tuyết khẳng định vấn đề đền bù có vấn đề. Dẫn chứng là bà gọi lên Sala để hỏi giá thì được báo là 350 triệu đồng/m2. Trong khi trước đó, Nhà nước đền bù cho gia đình với mức giá 18 triệu đồng/m2.

Người dân trưng ra bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm tại buổi tiếp xúc cử tri.

Nhiều cử tri cho biết, cuộc sống gia đình hoàn toàn bị đảo lộn, 10 năm qua bỏ hết mọi thứ để đi kiện từ các cấp của thành phố Trung ương đến. Bà Nguyễn Ngọc Thanh, đường Lương Định Của vừa khóc vừa kể căn nhà hai mặt tiền của bà gần chợ An Khánh, bị ép tháo dỡ và chỉ được bồi thường 94 triệu đồng. Khi đó muốn mua căn hộ tái định cư phải đóng thêm đến 800 triệu đồng; không có tiền nên gia đình phải sống tạm bợ hết sức khổ sở. Vì bức xúc, có người dân cho rằng họ không bị cưỡng chế mà là bị “cưỡng chiếm”. Ông Ngô Hùng Phong kể lại câu chuyện đẫm nước mắt là trước khi mất, bố ông còn thắc mắc “Nhà tôi đâu?”.

Trong khi đó, ông Trần Kim Long cho biết lúc trước ông làm ở Đường sắt Việt Nam hay vắng nhà thường xuyên do đặc thù công việc. Năm 2007 ông bị giải tỏa nhà một cách mà theo ông là hoàn toàn bất ngờ và ông đã ngược xuôi kiện cáo cả chục năm qua: “Khi tôi về thì nghe nói nhà tôi bị giải tỏa rồi. Tôi mới đi kiện, tôi khẳng định là chưa nhận bất cứ văn bản nào của Quận 2. 10 năm qua tôi gửi thư rất nhiều với tâm trạng vợ chết, nuôi con nhỏ, ở nhà trọ…giờ đã  về hưu rồi, không còn điều kiện nữa”.

Những giọt nước mắt.

Người dân đặt vấn đề có lợi ích nhóm, tham nhũng, có sự bao che…và đây chính là "giặc nội xâm" làm mất lòng tin của dân. Chính vì những quyết định không rõ ràng này đã đẩy nhiều gia đình vào ngõ cụt, cuộc sống cơ cực trong thời gian dài vừa qua, có người từ chỗ nhà cửa đàng hoàng phải đi ăn xin. Người dân đặt dấu hỏi về vai trò giám sát của HĐND TPHCM, của các đại biểu quốc hội.

Bà Nguyễn Thị Hà, khu phố 1, phường Bình An nói: “Tôi xin hỏi đại biểu Quyết Tâm là đại biểu có nói chúng tôi phải hy sinh. Thế thì con cháu chúng tôi hưởng được gì lợi ích từ đô thị mới Thủ Thiêm trong khi nhà đất chúng tôi ngoài ranh? Trong đô thị mới Thủ Thiêm hiện ai hưởng lợi? Để giải quyết dứt điểm thì nhà đất chúng tôi phải được trả lại và kẻ có tội phải đền tội”.

Rất đôngcử tri tham dự.

Hiện nay, vẫn có một nhóm mấy chục người dân Thủ Thiêm đang túc trực tại Hà Nội để mong Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện dự án khu đô thị Thủ Thiêm. Đây là những người dân đã tốn cả hơn chục năm qua, đã gửi hàng trăm lá đơn… nhưng chưa được giải quyết và vẫn đang tiếp tục hành trình của mình.

Bà Trần Thị Mỹ, 77 tuổi, người đến buổi tiếp xúc cử tri với tâm trạng vô cùng bức xúc cho biết, quyết định ban đầu của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt mang tính nhân văn, đem lại lợi ích rõ ràng cho nhân dân Thủ Thiêm. Tuy nhiên, bà Mỹ cho rằng đúng như ý kiến của cựu Chủ tịch UBND TPHCM Võ Viết Thanh “Đồng tiền đã làm biến dạng quy hoạch Thủ Thiêm” và chính người dân gốc Thủ Thiêm lại phải chịu biết bao khổ đau thay vì hạnh phúc. Bà Trần Thị Mỹ nói: “Cái người dân mong mỏi là quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Đã như vậy rồi thì cần Thanh tra Chính phủ vào làm việc, tính lại đất thu hồi, cái nào của anh anh lấy, cái nào thu hồi lố trả lại để dân tái định cư. Thứ hai là phải tính lại giá đền bù đúng quy định”.

Bà Trần Thị Mỹ, 77 tuổi xin phát biểu dài hơn vì bức xúc.

Ông Nguyễn Hồng Quang, Khu phố 1, phường Bình Khánh đại diện cho một số hộ dân, trong đó có cả mẹ của mình cho biết: họ ở ngoài ranh quy hoạch nhưng vẫn bị chính quyền quận cưỡng chế trái phép, gây xáo trộn cuộc sống. Ông Quang trưng ra một tấm bản đồ 1/10000 được in khổ lớn để mọi người cùng xem. Theo ông đây là sơ đồ điều chỉnh quy hoạch các khu vực không bán nhà thuộc quyền sở hữu của nhà nước ở Quận 2, trong đó cho thấy nhiều khu vực không nằm trong ranh đất thuộc diện bị thu hồi để làm dự án Khu đô thị Thủ Thiêm.

Theo ông Quang, chính quyền thành phố nên nhìn thẳng vào sự thật, phải đối thoại với người dân để tìm cách tháo gỡ: “Cho đến ngày hôm nay chưa thấy công trình công cộng phúc lợi nào. Chỉ thấy phân lô, bán nền, công ty kinh doanh là nhiều. Làm đường thì ẹ, kéo dài nhưng lấy đất là thực tế, giá trị lớn. Đã sai thì sửa, chính quyền đương thời phải đối thoại để giải quyết các  vấn nạn đau khổ 20 năm của chúng tôi”.

Ông Nguyễn Hồng Quang trình bày về tấm bản đồ ông mang tới.

Ông Đào Thanh Bảy, đảng viên lâu năm có một khu đất 1200 m2 tại phường An Khánh bị thu hồi cũng rất bức xúc về cách hành xử của Quận 2 khi đã thu hồi với mức giá áp đặt sai qui định. Ông Đào Thanh Bảy đề nghị Trung ương vào cuộc bởi “không còn tin tưởng vào cách xử lý của Quận 2, của thành phố”: “Tôi khẳng định các quyết định ấy là trái luật. Tôi đầy đủ bằng chứng chứng minh UBND Quận 2 dùng cơ chế quyền lực áp đặt giá sai. Tôi đề nghị thành lập một đoàn thanh tra liên ngành của Trung ương kiểm tra về dự án Thủ Thiêm và phải cho người dân tham gia đoàn kiểm tra đó để làm rõ”

Nhiều cử tri thắc mắc “Không có bản đồ quy hoạch thì dựa vào đâu mà đập nhà, cưỡng chế?”. Có cử tri đề nghị bà Quyết Tâm nên vi hành xuống tận nơi để xem người dân sống thế nào để trả lời thấu đáo, bảo đảm quyền lợi của nhân dân và nếu không làm được thì hãy “xuống đi”.

Bà Lê Thị Sáu, khu phố 1, phường Bình An nói: “Tôi đề nghị các đồng chí phải giám sát. Nếu không làm được vì tảng băng lớn quá thì phải cùng với Chính phủ, cùng với đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cử một lực lượng độc lập để thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm đã gây bức xúc hai mấy năm”.

Kết luận buổi tiếp xúc, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết toàn bộ ý kiến của nhân dân sẽ được tổng hợp để báo cáo Bí thư Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy để có chỉ đạo toàn diện. Hiện nay Thanh tra Chính phủ đang làm việc, kiểm tra lại hồ sơ qua các thời kỳ và sẽ có kết luận sau. Bà Tâm đề nghị Quận 2 phải rà soát lại hồ sơ mà người dân phản ảnh, người dân chịu khó, chính quyền phải kiên trì, sai cái gì sửa cái đó, ai sai phải chịu trách nhiệm.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM, đại biểu Quốc hội nói: “Nghe cô bác nói mình xót lắm bởi vì chính quyền giải quyết việc lớn mà người dân chưa đồng thuận. Và còn khiếu nại, còn ý kiến với tổ đại biểu là còn tin chúng tôi và mình làm chưa có đạt yêu cầu là ray rứt lắm. Nhưng không phải ray rức rồi thôi mà phải tiếp tục theo dõi, làm, giám sát…Khi nào còn 1 ý kiến thì chúng tôi cũng còn đeo bám để giải quyết vấn đề Thủ Thiêm”.

Buổi tiếp xúc cử tri kéo dài kỷ lục từ 14h đến gần 21h cho thấy sức nóng của vấn đề Thủ Thiêm, một vấn đề đã kéo dài nhức nhối trong nhiều năm qua. Đã đến lúc, các cấp chính quyền từ Trung ương đến TPHCM cần phải nhìn thẳng vào sự thật để mang lại những điều tốt đẹp nhất cho nhân dân. Làm sao để mục đích tốt đẹp của dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm phải được thực hiện đúng như quy hoạch ban đầu và hợp lòng dân. Trách nhiệm của chính quyền, cá nhân liên quan đến quy hoạch này ra sao cần phải được thanh tra làm rõ./.