Đợt mưa lớn lịch sử đã đổ xuống thành phố Đà Nẵng. Mưa to kéo dài từ tối ngày 8/12 đến cả ngày 9/12, có nơi lên tới 635 mm, vượt xa trận lũ lịch sử năm 1999 đã gây ngập sâu một số khu dân cư, nhiều tầng hầm các tòa nhà cao tầng nước dâng cao, nhấn chìm nhiều xe cộ, tài sản. Trong mưa to, gió lớn, nhiều cán bộ, chiến sỹ cảnh sát phòng cháy chữa cháy thành phố Đà Nẵng đã dầm mình trong mưa, bơm nước tầng hầm, bảo vệ tài sản và cứu người thoát khỏi hiểm nguy.

vov_pccc_cuu_nguoi_1_actd.jpg
Đội Cảnh sát PCCC quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng ngâm mình cứu người (Ảnh: Lê Đình Dũng).

Mưa như trút nước, 4 cô gái mắc kẹt trong ngôi nhà nhỏ ngập sâu trong nước. Khi cán bộ, chiến sỹ cảnh sát phòng cháy chữa cháy cùng phương tiện chuyên dụng đến hiện trường thì ngôi nhà 640/10 ở đường Trưng Nữ Vương nước đã ngập gần 2 mét. 4 cô gái Lữ Thị Quý Phương (quê ở Đà Nẵng), Võ Thúy Vy (quê Quảng Ngãi), Lê Thị Bích Liên, (quê Hà Nội) và  Nguyễn Thị Cẩm Tú (quê Quảng Nam), khoảng 18-19 tuổi cùng trọ trong ngôi nhà này đang ngồi co ro trên căn gác xép, hoảng sợ ngồi nhìn dòng nước mỗi lúc một dâng cao.

Trung úy Bùi Quang Hải, Tiểu đội trưởng Đội cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Công an quận Hải Châu kể lại, nhận lệnh từ Trung tâm chỉ huy Phòng Cháy chữa cháy, hơn 20 cán bộ, chiến sỹ cùng phương tiện đến hiện trường cứu người. Đường vào ngôi nhà là con hẻm nhỏ ngập sâu gần 2 mét, cán bộ chiến sỹ phải dùng phao cứu sinh và xuồng bơi vào đưa người bị nạn ra khỏi vùng nguy hiểm.

Đội Cảnh sát PCCC quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng giải cứu người dân mắc kẹt trong mưa lớn (Ảnh: Lê Đình Dũng).

Trung úy Hải nhớ lại lúc đó có 1 người bị gãy chân đang kêu cứu. "Trước tiên là đưa người phụ nữ đưa đến nơi cao ráo, sau đó đưa phao tròn, phao cứu sinh và xuồng để có thể đưa người bị gãy chân ra nơi an toàn. Nước lúc đó cao quá đầu người, khoảng 1m7 đến 1m75. Nếu như không có phao và những người không biết bơi mà đi vào thì rất dễ có sự cố", Trung úy Hải kể.

Sau khi cứu 4 cô gái thoát dòng nước lụt, Trung úy Bùi Quang Hải cùng các cán bộ, chiến sỹ phòng cháy chữa cháy đến những vùng bị ngập sâu giúp người dân chống chọi mưa gió. Thượng sĩ Trần Văn Dũng cho biết, mưa lớn kéo dài hơn 1 ngày làm ngập nhiều nhà dân, gây chia cắt nhiều tuyến giao thông và khu dân cư. Mưa to cũng làm nhiều tầng hầm của các tòa nhà cao tầng, bệnh viện ngập sâu trong nước, nhấn chìm nhiều tài sản, xe ô tô, xe máy...

Cùng người dân hút nước trong hầm các toàn nhà cao tầng, bệnh viện.

Thượng sĩ Dũng được huy động đi làm nhiệm vụ cứu dân từ 4h sáng, phải dầm mình trong mưa gió, hầm nước ngập sâu nhiều giờ liền, quên cả đói rét.

"Nhiệm vụ của tụi tôi là hút hết nước trong căn hầm ra. Sau đó về đây tiếp tục hút nước bên Bệnh viện C và Bệnh viện chỉnh hình. Đến gần 2h chiều mới xuất xe về, sau đó lại nhận lệnh của Bộ chỉ huy lại xuất xe đi làm nhiệm vụ. Còn đói hay không đói đối với bọn tôi không trọng nữa, mà quan trọng là phải làm tốt nhiệm vụ của mình. Sau khi hoàn thành tốt thì tụi tôi ăn tạm cái gì cũng thấy ngon và no", Thượng sĩ Dũng cho hay.

Nước ngập sâu nên việc khắc phục gặp khó khăn.

Tối 9/12, nước trong các tầng hầm của những tòa nhà cao tầng đã rút. Anh Nguyễn Đức Chung, nhân viên bảo vệ Tòa nhà VNPT trên đường 2/9 cho biết, mưa to kéo dài khiến con đường này chìm trong nước, tầng hầm bị ngập hơn 4m. Theo anh Chung, nhờ lực lượng và phương tiện của cảnh sát phòng cháy chữa cháy hỗ trợ hút nước tầng hầm nên  hạn chế được thiệt hại tài sản.

"Nhờ có bên phòng cháy chữa cháy, lượng nước trong hầm cũng rút gần hết. Họ cũng dầm mưa, chịu khó tìm cách đưa nước ra ngoài một cách nhanh nhất để đảm bảo thứ nhất là các thiết bị không bị hư hỏng", anh Chung cho hay.

Hình ảnh các chiến sỹ cảnh sát phòng cháy chữa cháy dầm mình trong mưa to cứu người thoát khỏi hiểm nguy khiến người dân Đà Nẵng thêm yêu thương, mến phục./.