Sáng 31/10, tại huyện miền núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, trời tiếp tục mưa to. Mọi hoạt động tìm kiếm cứu nạn, mở đường tạm dừng để đảm bảo an toàn trước nguy cơ sạt lở núi. Tỉnh Quảng Nam tập trung huy động nhân lực, dân quân tại chỗ gùi cõng lương thực vào vùng bị cô lập để cứu đói người dân. Đến nay mới tìm thấy 5 thi thể trong số 11 người bị lũ ống vùi lấp.
Mưa lũ kéo dài làm bùn đất nhão, sạt lở, lũ quét, lũ ống xảy ra nhiều nơi trên địa bàn huyện Phước Sơn. Sụt trượt đất đá, lũ ống đã cắt đứt hoàn toàn các tuyến giao thông trọng yếu trong huyện. Nhà cửa, hoa màu của người dân bị vùi lấp, cuốn trôi.
Ông Hồ Văn Rinh và Hồ Văn Mừng ở xã Phước Công, huyện Phước Sơn đang gùi lương thực vào xã Phước Kim cho biết, từ nhỏ đến giờ, ông chưa từng gặp tình trạng bão lũ, sạt lở đất khủng khiếp nghiêm trọng như thế này.
Trong lúc mưa tiếp tục trút xuống huyện miền núi Phước Sơn, Sở Chỉ huy tiền phương huy động lực lượng dân quân, nhân lực tại chỗ để gùi cõng lương thực cắt đường vào các xã Phước Thành, Phước Lộc, Phước Kim đảm bảo không người dân nào thiếu lương thực.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam, trực tiếp chỉ huy cứu nạn tại huyện Phước Sơn cho biết, sáng nay (31/10), sẽ chở gạo từ trung tâm huyện tập kết vào xã Phước Công để tiếp tế cho dân.
"Trước mắt là điều động 2 xe múc lớn để tăng cường lên Phước Sơn. Thứ nhất là làm đường ĐH 1. Thứ hai là cùng với thủy điện ĐăkMi làm đường ĐH 3 để sớm đưa hàng hóa lên, chứ bây giờ rất khó"- ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết.
Ngày 30/10, ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy và ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã lên tận xã Phước Công để khảo sát, chỉ đạo công tác cứu nạn tại huyện Phước Sơn.
Theo ông Lê Trí Thanh, tỉnh sẽ thành lập Sở Chỉ huy tiền phương cứu nạn vụ sạt lở Phước Lộc. Sở Chỉ huy tiền phương này đặt tại thị trấn Khâm Đức, thủ phủ của huyện Phước Sơn chứ không đặt trong xã Phước Công như dự kiến ban đầu. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, tỉnh sẽ huy động mọi nguồn lực để cứu tế cho bà con vùng bị cô lập./.