Tổng lượng nước tại 73 hồ chứa thủy lợi trên địa bàn thiếu hụt khoảng 74 triệu khối. Đối với các hồ chứa thủy điện, tổng lượng nước thiếu hụt so với dung tích hữu ích là 653 triệu khối.

vov_5_nerl.jpg
Đập bổi 2 tỷ đồng chắn ngang sông Tứ Câu.

Đắp đập bổi trên sông Tứ Câu để ngăn mặn, một việc làm thường xuyên trước mùa khô mỗi năm mà thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đang triển khai. Năm nay, chính quyền thị xã tiếp tục đầu tư 2 tỷ đồng để xây dựng đập bổi này.

Công việc được triển khai từ đầu tháng 1, nhằm ngăn nước mặn từ phía sông Hàn, thành phố Đà Nẵng xâm nhập vào sông Tứ Câu, ảnh hưởng đến 1.700 ha đất sản xuất của nông dân. Đập bổi được xây dựng ngang sông, chia đôi con nước. Phía hạ lưu, độ mặn lên đến 11 phần nghìn, còn phía thượng lưu thì hoàn toàn không bị nhiễm mặn.

 Mực nước hồ Cao Ngạn cũng đang xuống rất thấp

Ông Bùi Chống, người dân xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn cho rằng, đây chỉ là giải pháp tình thế: “Nhà nước tính làm răng cho bền chắc 1 lần thôi, chớ còn mỗi năm đầu tư một tỷ mấy trăm triệu đồng mà năm mô cũng làm hết. Đến tháng 8 là bắt đầu xe xúc múc đất con đập này đổ qua 2 bên (để khai thông trở lại), nên dân cũng hoang mang chỗ đó. Mỗi năm một tỷ mấy mà 10 năm như rứa thì biết bao nhiêu”.

Các nhà quan trắc khí tượng thủy văn ở miền Trung cho biết, kết thúc mùa mưa năm ngoái (tháng 12 năm 2019) đến nay, trên địa bàn các tỉnh miền Trung ít mưa. Do đó, lượng nước đổ về các hồ chứa thủy lợi không đáng kể. Tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, hiện 3 hồ chứa thủy lợi gồm: Phước Hà, Cao Ngạn và Đông Tiển, mực nước hồ thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước khoảng 3 mét.

Phía thượng lưu đập bổi, nước ngọt đảm bảo tưới cho 1.700 ha

Ông Nguyễn Thanh Thảo, Phó Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi Thăng Bình cho biết, các  hồ Phước Hà, Cao Ngạn, mực nước hiện thấp nhất trong vòng 20 năm trở lại đây, riêng hồ Đông Tiển thấp nhất kể từ khi đưa vào vận hành đến nay. Qua cân đối nguồn nước, Chi nhánh Thủy lợi Thăng Bình xác định cung cấp đủ nước tưới cho vụ Đông- xuân. Tuy nhiên, vụ Hè- thu sắp tới nếu trời không có mưa thì chắc chắn sẽ thiếu nước trầm trọng.

Ông Nguyễn Thanh Thảo cho biết, phương án cắt giảm diện tích trồng lúa là không tránh khỏi:“Nếu tính toán tưới như mấy năm thì đối với hồ Đông Tiển, vụ Hè- Thu đến chúng tôi sẽ cắt giảm khoảng trên 150 ha. Còn đối với hồ Cao Ngạn khả năng cắt giảm 50 ha và hồ Phước Hà trên 20 ha. Gần đến cuối vụ Đông- Xuân này, chúng tôi sẽ cân đối khoanh vùng một số khu tưới cao, xa, khó. Chúng tôi sẽ làm việc với địa phương đề nghị chuyển sang giống cây trồng cạn, ít dùng nước hơn.”

Trong khi phía hạ du các sông ở tỉnh Quảng Nam, tình trạng thiếu nước tưới, xâm nhập mặn liên tục diễn ra thì phía thượng nguồn, các hồ chứa thủy điện cũng đang thiếu hụt lượng đổ nước về hồ. Do đó, việc xả nước về hạ du để đẩy mặn được các chủ hồ thủy điện thực hiện theo kiểu đối phó.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương nằm ở cuối sông Thu Bồn. Trong lúc chờ thủy điện Sông Tranh 2 xả nước về hạ du để đẩy mặn, địa phương chủ động đầu tư hệ thống kênh dẫn nước từ Trạm bơm 19 tháng 5 của Hợp tác xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên về tưới cho hơn 50% diện tích lúa của xã Cẩm Kim, thành phố Hội An.

“Đến thời điểm hiện tại, về nước tưới cơ bản ổn. Còn đối với nước sinh hoạt, hiện nay thành phố cũng đã có hướng làm việc với đơn vị cấp nước, tính toán việc dời vị trí đường ống lấy nước ở sông Vĩnh Điện lên phía trên 1 chút để đảm bảo cung cấp nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt cũng như sản xuất kinh doanh của người dân”, ông Hùng nói.

Mực nước ở hồ chứa Phước Hà thấp nhất trong vòng 20 năm trở lại đây

Vụ Đông - Xuân năm nay, tỉnh Quảng Nam gieo trồng khoảng 78.000 héc ta. Trong đó, diện tích đất lúa hơn 42.000 ha. Năm ngoái, hạn mặn đã làm ảnh hưởng hơn 3.000 héc ta lúa, gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp địa phương. Để chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam khuyến cáo người dân sử dụng giống lúa ngắn ngày và trung ngày, đồng thời thực hiện chuyển đổi những diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn. 

Ông Đào Văn Thiên, Phó Giám đốc Công ty Khai thác Công trình Thủy lợi tỉnh Quảng Nam cho biết: “Trước tình hình thời tiết nắng hạn và diễn biến bất thường như thế này thì Sở Nông nghiệp cũng như Công ty đã có chủ trương cho bà con nông dân tưới tiết kiệm. Kể cả đối với những người quản lý hồ cũng phải tưới tiết kiệm, tức là tưới phiên, khô ướt xen kẽ. Dưới ruộng thì khuyến khích cho bà con  be bờ giữ nước, đắp chặn các kênh tiêu để tận dụng nước hồi quy tưới trở lại những vùng thấp"./.