Sáng nay (2/12), tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị khoa học quốc gia về phòng chống HIV/AIDS. Tới dự có ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm và  đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương, đại biểu của các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ quốc tế; các cơ quan liên hợp quốc; các tổ chức song phương và đa phương đã và đang hoạt động trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam…

Hội nghị đánh giá cao những đóng góp của các nhà khoa học thế giới và Việt Nam trong thời gian qua đã dành nhiều tâm huyết cho việc nghiên cứu các biện pháp dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS. Đây là dịp các nhà khoa học trên thế giới và Việt Nam chia sẻ các kết quả và kinh nghiệm nghiên cứu khoa học về HIV/AIDS trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong thời gian tới.

Kể từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam vào năm 1990 đến nay, sau hơn 20 năm, công tác phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Với việc mở rộng độ bao phủ từ công tác dự phòng tới công tác chăm sóc điều trị bệnh nhân HIV/AIDS, nước ta cơ bản kiềm chế được tốc độ gia tăng của đại dịch, khống chế tỷ lệ HIV/AIDS trong cộng đồng dưới 0,3%.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các Bộ, ngành, các địa phương, các đoàn thể, tổ chức xã hội, các thông tin đại chúng và nhân dân cả nước đóng góp tích cực trong công cuộc phòng chống HIV/AIDS ở nước ta. Phó Thủ tướng khẳng định: Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt trong công cuộc phòng chống HIV/AIDS. Hệ thống văn bản pháp luật được ban hành đầy đủ và ngày càng hoàn thiện. Đặc biệt là Chiến lược HIV/AIDS đã được ban hành với nguồn lực ngày càng được tăng cường và sử dụng có hiệu quả.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức xã hội cần tiếp tục nâng cao nhận thức về phòng chống HIV/AIDS, chỉ đạo xây dựng triển khai chương trình hành động của địa phương trên cơ sở chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Các địa phương cần tăng cường huy động, đầu tư các nguồn lực các công tác phòng chống HIV/AIDS, nhất là những năm tới nguồn lực hỗ trợ quốc tế giảm và ngân sách Trung ương còn khó khăn. Tiếp tục nâng cao kiến thức phòng chống HIV/AIDS cho người dân, giảm sự kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Ngành Y tế và các ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương tiếp tục tăng cường cung cấp dịch vụ để đáp ứng nhu cầu cấp thiết bảo đảm quyền được tiếp cận dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ, dự phòng và điều trị lây nhiễm HIV/AIDS”./.