Hơn 2 tháng nay, anh Nguyễn Văn H. ở huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên đã được sử dụng thuốc PrEP để dự phòng phơi nhiễm HIV. Được biết, vợ của H. là người nhiễm HIV đã hơn 1 năm nay. Từ khi được Trung tâm Y tế huyện Phổ Yên thông báo về việc tham gia sử dụng PrEP, anh H. đã không ngần ngại đăng ký.  Sau 3 lần kiểm tra sức khỏe, làm các xét nghiệm, anh H quyết định uống PrEP.

Anh H. chia sẻ, ban đầu khi dùng PrEP, 5 ngày đầu anh có cảm giác mệt mỏi, nôn nao khiến anh phải dừng thuốc. Tuy nhiên, khi nghe các nhân viên y tế tư vấn về hiệu quả và lợi ích của PrEP có thể làm hạn chế khả năng lây nhiễm HIV, anh H. lại quyết tâm uống trở lại.  

“Các bác sĩ cũng tư vấn cho tôi cần phải uống thuốc đúng giờ giấc và tuyệt đối không bỏ thuốc. Vì vậy, cứ tầm 9h tối, trước khi đi ngủ, tôi đều nhớ uống thuốc. Tôi cũng cảm thấy khá yên tâm khi sử dụng PrEP. Bên cạnh đó, đây là nguồn thuốc đang được hỗ trợ miễn phí nên cũng giảm bớt gánh nặng điều trị cho chúng tôi. Vì vậy hai vợ chồng động viên nhau cố gắng điều trị thuốc đều đặn, không được bỏ giữa chừng”- anh H. nói.

Tính đến 30/06/2020, tại tỉnh Thái Nguyên có khoảng 50 khách hàng đang điều trị PrEP, trong đó, tại Trung tâm Y tế thành phố Thái Nguyên là 44 khách hàng và tại Trung tâm Y tế huyện Phổ Yên là 6 bệnh nhân.

Trung tâm Y tế Thị xã Phổ Yên cho biết, bắt đầu hoạt động từ cuối tháng 6/2020, song phòng khám tư vấn và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm của Trung tâm bước đầu đã góp phần tuyên truyền và tạo điều kiện để khách hàng tiếp cận với dịch vụ điều trị dự phòng lây nhiễm HIV.

Mở rộng cơ sở tư nhân tham gia điều trị PrEP

Tháng 7/2020, đôi bạn N.T.A (22 tuổi, ở Hải Phòng) và N.V.M (25 tuổi) trong nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng tính nam) đã tới Phòng khám đa khoa Kỳ Đồng (TP Hải Phòng) để được tư vấn làm các xét nghiệm về viêm gan, HIV, giang mai... trước khi sử dụng PrEP.

Bạn N.T.A chia sẻ, thời gian đầu sử dụng PrEP, V. cảm thấy hơi mệt, nôn nao. Khoảng 1 tuần sau, V. cũng đã dần quen thuốc và sức khỏe trở lại bình thường. V và bạn tình của mình đều chia sẻ mong muốn sử dụng PrEP để dự phòng cho bản thân hạn chế lây nhiễm HIV.

“Em được biết tỷ lệ nhóm MSM bị lây nhiễm HIV cũng khá cao. Vì vậy, em nghĩ rằng dùng PrEP rất tốt, sẽ giảm nguy cơ nhiễm HIV trong cộng đồng. Trong trường hợp phát hiện dương tính với HIV thì việc điều trị thuốc PrEP càng sớm càng tốt”- bạn N.V.M nói.

Báo cáo của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Hải Phòng cho biết, theo nghiên cứu của Cục Phòng, chống HIV/AIDS năm 2017, ước tính quần thể MSM tại Hải Phòng là 4.515 người, chủ yếu là bóng kín. Số lượng này tập trung tại các quận Lê Chân, Hồng Bàng, Ngô Quyền, Hải An, Kiến An và huyện Thủy Nguyên. Theo đại diện của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Hải Phòng, nhóm cộng đồng MSM đặc biệt tập trung nhiều ở học sinh, sinh viên. Đây là nhóm đang có xu thế chung của toàn quốc.

Về hoạt động điều trị PrEP, lũy tích đến 30/5/2020, đã có 253 khách hàng tham gia điều trị và có 142 khách hàng đang điều trị tại Trung tâm Da liễu. Từ 1/5/2020 và đến 22/7/2020, đã có 130 khách hàng tham gia điều trị PrEP tại Phòng khám tư nhân Kỳ Đồng.   

Chị Nguyễn Thị Hồng, nhân viên tư vấn về PrEP tại Phòng khám Đa khoa Kỳ Đồng, TP Hải Phòng chia sẻ, thông thường khách hàng đến Phòng khám vào thứ Bảy, Chủ nhật. Để bảo mật thông tin cho khách hàng, chị và nhân viên của phòng khám sẽ mời từng người để tư vấn. Vì vậy, khách hàng cần chia sẻ thành thật với nhân viên y tế để họ có thể tư vấn, giải thích cụ thể về những lợi ích, khó khăn trong vấn đề dùng thuốc PrEP.

“Khi được tập huấn và nghe về chương trình PrEP này, tôi rất muốn tư vấn cho các bạn, đặc biệt là trong cộng đồng MSM tham gia vào chương trình này. Bởi vì rất nhiều bạn đến đây, rất tiếc họ không biết đến PrEP nên đã bị nhiễm HIV do không biết cách phòng tránh”- chị Hồng chia sẻ. 

Theo ước tính, Việt Nam hiện có khoảng 250.000 người nhiễm HIV song chỉ có 210.000 người biết được tình trạng của mình. Bởi vậy HIV luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng khi vẫn còn nhiều người chưa được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy, việc triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV hay còn gọi là PrEP chính là một trong những “vũ khí” tối ưu góp phần hạn chế HIV lây lan.

Các nghiên cứu của tổ chức Y tế thế giới đã chứng minh PrEP là phương pháp sử dụng thuốc kháng virus ARV để dự phòng lây nhiễm HIV ở người có nguy cơ cao chưa bị nhiễm. Nếu dùng đúng, đều và đủ có thể phòng lây nhiễm lên đến trên 90%. Từ năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo sử dụng PrEP như là một phần của chiến lược dự phòng HIV/AIDS./.