Một năm sau quyết định đóng cửa rừng, tại tỉnh Phú Yên, tình trạng khai thác gỗ lậu vẫn diễn biến phức tạp. Trong khi đó, lực lượng chức năng tiếp tục nêu lý do thiếu nhân lực quản lý rừng; người dân thêm bức xúc vì rừng bị mất…
Hòn Cô là rừng phòng hộ đầu nguồn ở xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên từng có tiếng là rừng nguyên sinh, cây đan dày đến nỗi hiếm khi thấy mặt trời, giờ thì nhiều khoảng trống đã lan rộng khắp khu rừng. Những cây rừng 2-3 người ôm đã bị cưa hạ. Vết cưa cũ có, mới cũng có. Khu rừng này đang bị khoét rỗng. Mới đầu mùa khô, sông suối qua rừng đã khô cạn.
Người dân địa phương có thể điểm tên, chỉ mặt những đối tượng phá rừng. Con đường chính dẫn vào rừng Hòn Cô được ngành chức năng lập gác chắn, ngăn xe ra vào. Nhưng các đối tượng phá rừng thì vào rừng bằng nhiều đường nhánh không đi qua gác chắn bảo vệ...
Chiều tối, trên những con đường từ rừng về các xã lân cận, gỗ lậu được chở trên xe máy, ô tô đưa về xuôi. Những người dân sống bên đường, dưới chân rừng Hòn Cô, xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân nói gỗ lậu tuồn về xuôi bằng nhiều cách: “Hồi xưa kia thường đi buổi tối. Bây giờ thường đi lúc 1 đến 2h đêm hoặc sáng sớm trong khi canh khuất mắt người dân”.
Sau một năm có chủ trương đóng cửa rừng, tình trạng phá rừng tại khu rừng phòng hộ Hòn Cô gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Những con đường trong rừng rộng 4-6m được mở rộng, ô tô có thể vào tận giữa rừng để chở gỗ lậu.
Với lý do rừng rộng lớn, các cơ quan chức năng không thể triển khai lực lượng kiểm soát cả ngày đêm trên mọi con đường vào rừng, ông Vũ Công Tâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Xuân, đề nghị: “Đây là khu vực rừng phòng hộ, là khu vực rừng đang phục hồi chính quyền địa phương và các ngành chức năng cũng tăng cường công tác bảo vệ rừng. Tuy nhiên trong thời gian qua vì đời sống kinh tế xã hội khó khăn cho nên một số bà con nhân dân cũng đã có tác động khu vực này nên tương đối phức tạp.
Biện pháp căn cơ lâu dài là tìm ra những chính sách hợp lý để đảm bảo đời sống cho bà con trong vùng nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số và một số thôn đặc biệt khó khăn để người dân yên tâm ổn định sản xuất, yên tâm ổn định đời sống không tác động vào rừng”.
Đã có nhiều vụ phá rừng, khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép bị phát hiện, đưa ra xử lý nhưng tình trạng phá rừng tại tỉnh Phú Yên vẫn diễn biến phức tạp. Thời điểm sau vụ mùa, làm rẫy, số người và phương tiện vào rừng khai thác gỗ, chở gỗ lậu càng gia tăng. Tạo sinh kế cho người dân vùng rừng được coi là một trong những giải pháp để ngăn chặn nạn phá rừng và hướng đến quản lý rừng bền vững.
Ông Lê Văn Bé, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên cho biết: “Lực lượng tham gia bảo vệ rừng tuần tra kiểm tra ít. Hiện nay, để khắc phục những khó khăn, ngành địa phương cũng đi huy động toàn bộ các lực lượng cùng tham gia phối hợp cơ quan đoàn thể để tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành nghiêm pháp luật của nhà nước”./.