Tình trạng thiếu nhân lực ngành Y tế ở tỉnh Phú Yên ngày càng trầm trọng. Thế nhưng, ngành Y tế tỉnh này tiếp tục tinh giản biên chế theo cách cơ học, gây nhiều áp lực đối với các y bác sĩ.
Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Phú Yên những ngày này, bệnh nhân nằm chật kín các khoa, phòng. Bệnh nhân đông, các y bác sỹ ở đây phải làm việc cả ngày lẫn đêm.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên. |
Tương tự, ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên, một số khoa cấp cứu, khoa truyền nhiễm thường xuyên trong tình trạng quá tải. Thời điểm này, bệnh nhân sốt xuất huyết tăng cao, các y bác sỹ phải căng sức làm việc. Nhiều người hết ca trực nhưng không được ra khỏi thành phố, phòng khi có trường hợp cấp cứu còn kịp đến bệnh viện.
Sở dĩ xảy ra tình trạng này do 6 năm qua, quy mô giường bệnh tại các cơ sở y tế tăng đáng kể nhưng các bệnh viện không được bổ sung nhân lực vì “giảm biên chế".
Bà Nguyễn Thị Diệu Thuyền, Trưởng Ban Văn hoá Xã hội của HĐND tỉnh Phú Yên nêu bức xúc: "Giảm biên chế mà chúng ta quá máy móc. Từ năm 2012 đến nay, y tế chúng ta tăng 535 giường bệnh. Theo Thông tư liên tịch 08 thì định mức giường bệnh theo bệnh viện tỉnh là khoảng 1,1 biên chế/một giường bệnh. Trong lúc Bộ Nội vụ cũng có văn bản giao nhiệm vụ là cho phép tăng biên chế, vậy tăng thêm 535 giường bệnh mà con người không tăng là sao?".
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên tăng lên giường bệnh nhưng không được tăng biên chế. |
Trong khi đó, ông Võ Đức Thơ, Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng vì không tăng bệnh viện, không tăng cơ sở y tế nên không thể tăng biên chế cho ngành y tế: "Đối với y tế, thành lập mới tổ chức, thành lập bệnh viện mới tăng quy mô giường bệnh thì có thể bổ sung biên chế phù hợp theo quy định, nhưng phải quản lý chặt chẽ. Cho nên cái này hơi khó."
Nhiều ý kiến cho rằng, với cách hiểu và thực hiện máy móc như thế này, ngành Y tế tỉnh Phú Yên tiếp tục bị "đóng khung" về biên chế lao động.
Ông Trần Văn Hạt, Trưởng Ban Pháp chế của HĐND tỉnh Phú Yên đề nghị:"Không phải tất cả đều là phải giảm, mà nếu như ngành y tế có tăng giường bệnh thì dứt khoát phải tăng biên chế theo quy định. Tôi đơn cử như là bệnh viện sản nhi chúng ta, từ 200 giường giao tăng lên 300 giường, có nghĩa là phải tăng lên thêm 110 người nữa theo quy định, nhưng mà không tăng người nào cả cho nên áp lực công việc đối với các y, bác sỹ rất là lớn, khả năng sức khoẻ của họ không thể đáp ứng về lâu về dài."
Bà Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế Phú Yên đề nghị HĐND tỉnh phê duyệt đủ số lượng người làm việc tương ứng với số giường bệnh được giao tăng thêm từ năm 2012 đến nay. Trong khi những vướng mắc về nhân lực ngành Y tế chưa được tháo gỡ thì không ít bác sĩ giỏi đã xin thôi việc. Hiện, ngành Y tế đã tự chủ được hơn 70% nên việc giải quyết tiền lương cho đội ngũ cán bộ, ý bác sĩ không phải là vấn đề khó mà cái khó chính là cơ chế để thực hiện.
"Chúng tôi rất muốn chúng ta phê duyệt số lượng người làm việc. Số lượng người làm việc này đều phù hợp với quy định của Trung ương và của tỉnh. Định mức nhân lực theo lộ trình đến năm 2020 đều ngày càng tăng hết, mà đã định mức trên giường bệnh tăng lên thì tổng số người phải tăng chứ. Chúng tôi đồng ý không bổ sung biên chế thì phải cho cơ chế, phê duyệt tổng số lượng người làm việc để nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ", bà Ngọc nói./.
Muốn tăng lương cơ sở phải tinh giảm biên chế