Chiều nay (9/12) tại TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức trao Giải báo chí toàn quốc về phòng, chống HIV/AIDS lần thứ 5.

Nhà báo Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Nhà văn hóa Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Chất lượng Giải năm nay đã được nâng lên một bước. Các tác phẩm báo chí ở các thể loại đã có sự đồng đều về chất lượng chuyên môn. Số lượng tác phẩm dự thi nhiều hơn so với giải lần thứ 4 (hơn 550 tác phẩm dự thi đợt này).

img_9579_oxbh.jpg
Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam và Tổng cục HIV/AIDS trao giải cho các tác giả

Ban Tổ chức đã chấm và lựa chọn cả 4 loại hình báo chí là Báo in, Báo điện tử, Phát thanh và Truyền hình, để chọn 40 tác phẩm tiêu biểu trao giải; 1 giải viết về tình dục an toàn; cùng 3 giải tập thể cho các tập thể có nhiều tác giả, tác phẩm gửi tham dự Giải.

Trong số những tác phẩm đoạt Giải, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) giành 9 giải, trong đó có 1 giải Nhất về Phát thanh. Báo điện tử VOV giành 1 giải Ba thể loại Điện tử.

Các giải Nhất gồm: Báo in thuộc về loạt bài: “Đứng lên từ tận cùng nỗi đau” của tác giả Trương Quang Hiệp (Báo Quảng Trị); Phát thanh: Tác phẩm “Nụ cười của Huệ” của tác giả Bá Duy (VOV2); Truyền hình: Tác phẩm “Chốn bình yên của bệnh nhân AIDS” của nhóm tác giả Đài PTTH Bình Phước; Báo điện tử: Loạt bài “Đảm bảo thuốc ARV cho người nhiễm HIV khi nguồn viện trợ bị cắt giảm” của tác giả Lan Anh, Báo điện tử Chính phủ.

Các tác giả đoạt Giải thuộc loại hình Báo điện tử

Theo đánh giá của Ban Tổ chức: Nội dung các tác phẩm phong phú từ sự ghi nhận công tác dự phòng, can thiệp giảm tác hại, chăm sóc, điều trị, chống kỳ thị phân biệt đối xử đến phổ biến luật pháp, các mô hình tốt và cá nhân người nhiễm HIV biết vươn lên, sống có ích.

Nhiều tác phẩm thể hiện công sức, trí tuệ, tâm huyết của các tác giả, nhóm tác giả; thể hiện sinh động, giàu tư liệu, giàu hình ảnh thực tế từ những nơi khó khăn, xa xôi, hẻo lánh, vùng núi cao, vùng xa xôi hiểm trở. Vì vậy có sức hấp dẫn thuyết phục cao. Nhiều tác phẩm cho thấy sự xông xáo, dấn thân của các tác giả; bằng sự quan sát, phân tích sâu sắc và bằng sự cảm thông, chia sẻ với nhiều hoàn cảnh./.