Công trình thủy điện Bản Chát do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, giao cho Ban Quản lý Dự án Thủy điện 1 làm đại diện đã phát điện cả hai tổ máy, với công suất 220MW.

Hiện tại công trình thủy điện Huổi Quảng cũng đang thi công. Tuy nhiên đang có một số bất cập gây rất nhiều khó khăn cho địa phương, đó là rất nhiều công trình cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm tái định cư công trình thủy điện này tại hai huyện: Than Uyên, Tân Uyên của tỉnh Lai Châu lại chưa được đầu tư xây dựng.

Hơn 1 năm nay, tại xã Tà Hừa và xã Pha Mu thuộc huyện Than Uyên, cả bộ máy chính quyền, Đảng ủy, trường học đến việc khám chữa bệnh cho nhân dân đều làm việc dưới gầm sàn nhà dân.

tramyte.jpg
Trạm y tế Tà Hừa khám chữa bệnh dưới gầm nhà sàn đã hơn 1 năm nay

Đối với đồng bào dân tộc Thái, gầm nhà sàn chỉ để xe máy, cái cuốc, cái cày, gỗ, củi... Nhưng khoảng không gian này nay lại đang phát huy thêm tác dụng bất đắc dĩ để xã Tà Hừa, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu dùng tạm làm trụ sở xã và trạm y tế khám chữa bệnh cho người dân.

Chị Lò Thị Thiết, người dân ở bản Khì, xã Tà Hừa cho biết, từ khi phải di dời đến nơi ở mới này, nhiều chị em có thai đều không đến trạm xá để khám thai định kỳ và sinh con.

Theo lý giải của chị Thiết là bởi phong tục người Thái kiêng cữ không đẻ dưới gầm sàn nhà người khác.        

Ông Lò Văn Tuấn - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tà Hừa bức xúc: Nếu cứ kéo dài tình trạng này rất nguy hiểm. Trạm ở dưới sàn nhà không có phòng chức năng, xung quanh trạm được vây lưới thép và quây bạt. Trang thiết bị chất đống trong gầm nhà sàn. Chỗ khám phụ khoa được quây cẩn thận, kín đáo nhất cũng chỉ bằng bạt.

Một buổi kết nạp đảng viên mới của xã Tà Hừa cũng được tổ chức dưới gầm nhà sàn

Không có chỗ tiêu hủy bông băng, không có điện, nước... Tất cả đều nhờ vả dưới gầm nhà sàn của một gia đình ở bản Cáp Na 1.

Có lẽ cũng chính vì điều kiện hết sức bí bách này mà hơn 1 năm nay, trạm không có bệnh nhân nội trú và cũng không có một ca nào sinh đẻ tại "Trụ sở trạm".

Ông Lò Văn Tuấn nói: “Nếu cứ kéo dài tình trạng này rất nguy hiểm vì hoạt động y tế liên quan đến tính mạng con người”.         

Từ tháng 6/2012, thực hiện chương trình di dân tái định cư thủy điện Bản Chát, trụ sở xã Tà Hừa phải chuyển địa điểm.

Do chưa có vốn đầu tư xây dựng trụ sở, xã đã thuê tạm hai gầm sàn nhà ở bản Khì để làm việc, trong đó, một gầm sàn là nơi làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND và các ngành thuộc khối Ủy ban nhân dân xã.

Tại vùng di dân thủy điện Bản Chát còn rất nhiều lớp học tạm như thế này

Một gầm nhà sàn nữa là nơi làm việc của 5 đoàn thể xã, công an và xã đội trưởng. Xung quanh trụ sở được quây bạt. Trong trụ sở, được trang trí giống như phòng họp, mà cũng giống như cả phòng truyền thống. Tài liệu, hồ sơ giấy tờ được treo rất nhiều trên xà nhà ngay cạnh bàn làm việc của từng thành viên Đảng ủy, HĐND và UBND xã...

Làm việc trong cảnh tạm bợ, xã Tà Hừa gặp nhiều bất tiện như không đảm bảo để tiếp công dân, họp ban thường vụ, bảo vệ tài sản của xã. Điện lưới chưa có nên những lúc cần, xã phải dùng máy nổ phát điện, nhiều khi phải dùng cả nến để thắp sáng.... 

Ông Lò Văn Thân - Bí thư Đảng ủy xã Tà Hừa cho biết: “Xã đang gặp khó khăn về đường dẫn điện để phục vụ thắp sáng cho đời sống của nhân dân nói chung và cả bộ máy chính quyền nói riêng. Chúng tôi mong muốn trước hết là cho trạm y tế một máy nổ để phục vụ nhân dân khi khám chữa bệnh và bà con đến chữa bệnh thường xuyên hơn”.         

Đối với một bộ máy hành chính, điều kiện để hoạt động cần nhất là con người, thứ hai là cơ sở vật chất. Điều kiện cơ sở vật chất tạm bợ như xã Tà Hừa, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu hiện nay không tạo được cho đội ngũ cán bộ yên tâm công tác, người dân lo lắng, bức xúc mà câu trả lời về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại đây vẫn chưa có hồi đáp.

Không chỉ người dân khổ, mà chính quyền địa phương cũng chưa có câu trả lời của chủ đầu tư để giải quyết vấn đề này./.