Chịu trách nhiệm kiểm soát việc nhập khẩu xe là hai cơ quan: Đăng kiểm và Hải quan. Tuy nhiên, khi phóng viên VOV phản ánh thông tin nhiều xe vi phạm vẫn được nhập khẩu vô tư thì đại diện cả hai đơn vị tỏ ra… không hay biết! Cục Đăng kiểm Việt Nam ngay sau đó đã có công văn gửi VOV đề nghị được cung cấp thông tin để có căn cứ xử lý (Công văn số 1553/ĐKVN-VAQ ngày 17/7/2013 do Cục trưởng Trịnh Ngọc Giao ký)...

Hàng rào pháp lý

Bằng cách nào những chiếc xe tải hạng nặng, to như con voi, lại lọt qua sự kiểm tra của cả Cục Đăng kiểm lẫn Hải quan để tung hoành trong nội địa? Quy định của văn bản pháp luật còn lỏng lẻo hay cơ quan chức năng đã làm ngơ, tiếp tay cho doanh nghiệp (DN)?

hai-quan-lang-son.jpg
Hải quan Lạng Sơn: "Chúng tôi không có trách nhiệm thực thi Thông tư 32"

Để có câu trả lời, ngày 2/7/2013, phóng viên VOV có buổi làm việc với đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam, gồm các ông: Nguyễn Văn Phương, Phó Trưởng phòng chất lượng xe cơ giới; Ngô Xuân Trường, Tổ phó Tổ ô tô; Nguyễn Tô An, Đội trưởng Đội kiểm tra chất lượng xe khu vực I. Tại buổi làm việc, phóng viên VOV đã đưa ra những bức ảnh chụp xe tải hạng nặng có thùng kích thước “khủng”.

Cầm tấm ảnh trên tay, ông Nguyễn Tô An, Đội trưởng Đội kiểm tra chất lượng xe cơ giới Khu vực I nói ngay: “Kích cỡ thùng xe như trong ảnh là vi phạm Thông tư 32”.

Để làm rõ hơn, phóng viên yêu cầu kiểm tra thông tin về chiếc xe tải được chụp trong ảnh, có số khung: LZZ5EXSD7DN809259.

Sau một hồi rà soát thông tin, ông An cho biết: Xe này của Công ty Cổ phần Thu Ngân, đã hoàn tất việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu. Tại thời điểm xuất trình phương tiện để cơ quan đăng kiểm kiểm tra, kích thước thùng xe đều đạt tiêu chuẩn của Thông tư 32. Đến thời điểm này, xe đã được bán cho một DN vận tải ở Bắc Giang.

Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, để kiểm tra xe cơ giới nhập khẩu, cơ quan đăng kiểm thực hiện theo qui định tại Thông tư 31 và Thông tư 32.

Thông tư 31 có tên “Qui định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu” do Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng ký ngày 15/4/2011, có hiệu lực thi hành ngày 1/7/2011, gồm 4 chương, 14 điều, qui định rất chi tiết, cụ thể quá trình kiểm tra.

Kèm theo Thông tư dày 14 trang này là các phụ lục với các tờ mẫu viết cả tiếng Việt và tiếng Anh về: Giấy đăng ký chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu; Bản kê chi tiết xe; Bản đăng ký thay đổi thời gian và địa điểm kiểm tra; Bản đăng ký Thông số kỹ thuật xe; Thông báo miễn kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu; Thông báo không đạt chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu; và Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu.

Thông tư 32 có tên “Quy định về kích thước giới hạn thùng chở hàng ô tô tải tự đổ, rơ-moóc và sơ mi rơ-moóc tải tự đổ, ô tô xi-téc, rơ-moóc và sơ mi rơ-moóc xi-téc tham gia giao thông đường bộ” do Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng ký ngày 9/8/2012, có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, gồm 5 điều, trong đó qui định cụ thể về kích thước thùng chở hàng của xe tự đổ và xe xi-téc.

Tìm hiểu nội dung của 2 Thông tư kể trên, một cán bộ trong ngành giao thông mà chúng tôi tham vấn cho rằng, nếu thực thi nghiêm túc, khó có thể có chiếc xe vi phạm nào “lọt lưới”, “con voi không thể chui lọt lỗ kim”!..

Vì sao vẫn... “lọt”!

Cũng trong buổi làm việc với các đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam, câu chuyện “lọt qua mắt lưới” được diễn giải như sau: Theo quy định của Thông tư 31, khi DN nhập khẩu ô tô thì phải nộp cho Cục Đăng kiểm một bộ hồ sơ đăng ký kiểm tra lô hàng.

Trên cơ sở này, Cục Đăng kiểm sẽ xem xét, đối chiếu hồ sơ đăng ký kiểm tra với các quy định hiện hành liên quan đến xe cơ giới và xử lý như sau: Nếu hồ sơ đăng ký kiểm tra chưa đầy đủ theo quy định thì cơ quan kiểm tra sẽ hướng dẫn tổ chức, cá nhân nhập khẩu bổ sung, hoàn thiện lại; Nếu hồ sơ đăng ký kiểm tra đầy đủ thì cơ quan kiểm tra sẽ xác nhận vào Giấy đăng ký kiểm tra, đồng thời thống nhất với tổ chức, cá nhân nhập khẩu về thời gian và địa điểm kiểm tra… Đến đây, DN gửi cho hải quan bộ hồ sơ đã có xác nhận của Cục Đăng kiểm Việt Nam vào Giấy đăng ký kiểm tra lô hàng để làm thủ tục tạm thời thông quan. Và đương nhiên, toàn bộ số xe ô tô này nghiễm nhiên ra khỏi bãi xe hải quan.

Như vậy, Giấy đăng ký kiểm tra lô hàng có sự xác nhận của Cục Đăng kiểm Việt Nam có giá trị như một chiếc chìa khóa để tạm giải phóng lô hàng. Ở chiều ngược lại, nếu không có sự xác nhận kiểm tra lô hàng của Cục Đăng kiểm thì chắc chắn lô hàng sẽ không thể ra khỏi bãi của hải quan.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tô An, Đội trưởng Đội kiểm soát khu vực I lập luận rằng, cho đến thời điểm cơ quan đăng kiểm chưa cấp chứng chỉ chất lượng thì trách nhiệm chính vẫn thuộc hải quan vì lô hàng mới được tạm thời giải phóng, tạm đưa về kho bãi của DN và chưa hoàn tất thủ tục thông quan.

Còn về trách nhiệm của Cục Đăng kiểm, theo Thông tư 31 quy định, trước tiên chỉ kiểm tra lô hàng thông qua bộ hồ sơ của DN, sau đó mới có kết luận xe đạt yêu cầu hay không khi chính thức tiến hành kiểm tra thực tế xe tại địa điểm đã thống nhất với DN.

Như vậy, có thể thấy, cả một quãng thời gian rất dài, xe di chuyển từ biên giới về đến kho bãi của DN nhưng không có sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan đăng kiểm. Nếu DN cố tình vi phạm thì họ sẽ chủ động đăng ký để có dư thời gian “phù phép” xe Dongfeng, Howo có thùng xe vi phạm thành thùng xe phù hợp với Thông tư 32 mà chúng tôi đã phản ánh ở phần đầu loạt phóng sự điều tra này.

Để “chốt” lại nội dung, chúng tôi nêu câu hỏi: Vì sao Cục Đăng kiểm không cử cán bộ kiểm soát chặt chẽ xe ngay từ biên giới? Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam trả lời: Việc kiểm soát phải thực thi theo đúng quy định của Thông tư 31, chỉ kiểm tra thực tế khi xe đã về kho, bãi của DN...

Việc Thông tư 31 qui định không tiến hành đăng kiểm xe tải hạng nặng ngay tại cửa khẩu như qui trình nhập khẩu xe ô tô du lịch, quả là có tạo “kẽ hở” cho DN cố tình vi phạm “lách luật”. Nhưng đó chỉ là một trong nhiều nguyên nhân. 

Và... chưa “trảm” được ai!

Theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó Trưởng phòng chất lượng xe cơ giới, sau gần 9 tháng Thông tư 32 có hiệu lực thi hành, cơ quan đăng kiểm đã lập đủ hồ sơ để xử lý 7 trường hợp thùng xe vi phạm. Tuy nhiên, khi cung cấp hồ sơ cho phóng viên, 7 trường hợp ông Phương nêu lại là xe nhập từ Nhật Bản, không phải xe Dongfeng, Howo như  VOV phản ánh.

Phóng viên VOV nhắc lại câu hỏi: Cục Đăng kiểm đã phát hiện được xe tải hạng nặng Dongfeng, Howo nào nhập từ Trung Quốc có kích thước thùng xe vi phạm Thông tư 32? Ông Phương đành thừa nhận, cho đến nay chưa phát hiện và cũng chưa xử lý được trường hợp nào. Và lý giải thêm: “Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng mới biết thông tin về xe có thùng vi phạm Thông tư 32 vào tháng 3, 4/2013…”.

Thực tế, sự “chậm chạp” của Cục Đăng kiểm Việt Nam đã giúp lô xe tải hạng nặng có thùng kích thước “khủng” vi phạm Thông tư 32, nhập ngày 14/5/2013 của Cty cổ phần Thu Ngân “lọt lưới”, được cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu.

Tuy nhiên, khi được hỏi về trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam, cả ông Phương và ông An đều khẳng định, Cục Đăng kiểm đã hoàn thành trách nhiệm. Phóng viên VOV đề nghị giải thích “hoàn thành trách nhiệm như thế nào khi thực tế các DN vẫn bán xe có thùng khủng vi phạm Thông tư 32, tiếp tay cho chở quá tải, phá nát đường?”. Ông Phương, ông An né câu hỏi và cho rằng, trách nhiệm thuộc quản lý thị trường, cảnh sát giao thông...

Hải quan... đứng ngoài cuộc?

Ngày 5/7/2013, phóng viên VOV có buổi làm việc với Cục Hải quan Lạng Sơn, một trong những cửa khẩu có lượng xe tải vi phạm Thông tư 32 nhập về nhiều nhất.

Phó Cục trưởng Vy Công Tường cho biết, Hải Quan cửa khẩu Lạng Sơn cho đến thời điểm này chưa phát hiện và xử phạt bất kỳ trường hợp xe tải nào nhập về vi phạm Thông tư 32.

Trước những tư liệu của phóng viên VOV đưa ra về những chiếc xe tải vi phạm nối đuôi nhau chạy qua cửa khẩu, thậm chí cả dãy xe đỗ dài tại bãi đậu xe của Hải quan Lạng Sơn, ông Vy Công Tường thừa nhận là có tình trạng xe tải “lách luật” được nhập về và Hải quan Lạng Sơn bị "qua mặt".

Lý giải cho việc bị "qua mặt", ông Vy Công Tường cho rằng, Hải quan chỉ cho thông quan khi lô xe nhập về có đầy đủ giấy tờ của Cục Đăng kiểm và căn cứ theo đó để giải phóng hàng. Hải quan không có nghiệp vụ cũng như đầy đủ thông số để biết xe nào thùng to, thùng nhỏ, xe nào vi phạm Thông tư 32. Vì vậy phải dựa vào đăng kiểm, cứ có giấy của Cục Đăng kiểm là được.

Khi phóng viên VOV đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với xe có kích thước vi phạm Thông tư 32, ông Vy Công Tường khẳng định: Hải quan Lạng Sơn không có trách nhiệm thực thi Thông tư 32, nhưng sẽ xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Ông Vy Công Tường cảm ơn VOV đã giúp Hải quan Lạng Sơn tư liệu quý về tình trạng doanh nghiệp “lách luật” và cam kết Hải quan Lạng Sơn sẽ phối hợp với báo chí để làm rõ tình trạng này, không để tình trạng này tiếp tục diễn ra. 

Đến đây, đã lộ ra một “lỗ hổng”, mà dù Thông tư 31 rồi Thông tư 32 được ban hành nhưng hiệu lực của nó vẫn không được phát huy, như “bảo kiếm chém vào hư vô”..../.

Sẽ xử lý như thế nào?

Ông Vy Công Tường,Phó Cục trưởng Hải quan Lạng Sơn:

"Khi doanh nghiệp nhập khẩu thì là xe thùng to nhưng để phù hợp với quy định của pháp luật thì lại biến thành xe thùng nhỏ. Nếu có chứng cứ pháp lý rõ ràng thì doanh nghiệp đã vi phạm Nghị định 97, về việc thay đổi nguyên trạng của hàng hóa...”

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Trưởng phòng chất lượngxe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam:

“Trong trường hợp có chứng cứ pháp lý về việc nhập khẩu xe vi phạm Thông tư 32, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ từ chối kiểm tra lô hàng tiếp theo. Trong trường hợp, doanh nghiệp chưa bán xe nhập khẩu vi phạm, Cục Đăng kiểm sẽ thu hồi Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu”.