Sáng 5/8, Hội đồng thi phát thanh trực tiếp đã hoàn thành 5 ngày làm việc nghiêm túc, căng thẳng nhưng cũng đong đầy cảm xúc của Ban Giám khảo (BGK) cùng các chương trình dự thi tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 15.
Tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm phát thanh trực tiếp giữa BGK và các đơn vị dự thi” do Nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN (VOV) chủ trì, các thành viên BGK cùng lãnh đạo Ban Thư ký Biên tập, Trung tâm Sản xuất và Lưu trữ chương trình của VOV đã cùng trao đổi với các e-kip của các Đài dự thi phát thanh trực tiếp. Theo đó, tập trung vào vấn đề nội dung, cách thức triển khai, xử lý sự cố kỹ thuật và ứng dụng công nghệ số trong các chương trình phát thanh trực tiếp.
Ông Vũ Quang Hào, Giảng viên cao cấp Viện đào tạo Báo chí và Truyền thông, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trưởng Tiểu ban Phát thanh trực tiếp cho rằng, thính giả đang tạo ra xu hướng của phát thanh. Thính giả cần đối thoại nhiều hơn, do đó, phương thức phát thanh trực tiếp cho đến nay vẫn là một phương thức phát thanh hiện đại nhất và chưa có phương thức phát thanh nào thay thế được. Tuy nhiên, không phải đề tài nào cũng có thể sản xuất theo phương thức phát thanh trực tiếp.
Đánh giá chung về 30 chương trình dự thi phát thanh trực tiếp tại kỳ Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 15 tại TP.HCM, ông Vũ Quang Hào cho rằng, các chương trình đều đa dạng, sinh động mang lại nhiều cung bậc cảm xúc. Các Đài đều thể hiện sự sáng tạo và cố gắng đưa ứng dụng công nghệ, thực hiện chương trình trên nhiều nền tảng. Tuy nhiên, phát thanh trực tiếp là một thể loại khó để thực hiện.
“Phương thức này không dung nạp được tất cả các loại đề tài, không phải đề tài nào cũng làm được phát thanh trực tiếp. Điểm thứ hai đáng tiếc hơn là một số Đài đã đánh mất bản sắc địa phương của mình khi lựa chọn đề tài quá lớn và phổ quát. Điểm tiếp theo rút kinh nghiệm là hầu hết các chương trình đều nỗ lực theo đuổi yêu cầu về công nghệ hiện đại. Điều đó rất đáng khích lệ vì bên cạnh thính giả nghe phát thanh, công chúng cũng có thể theo dõi chương trình trên các nền tảng khác. Nhưng nếu không cẩn thận chúng ta đã làm phân tán tâm lý nghe của công chúng và làm giảm lượng thông tin, thông điệp chúng ta muốn truyền tải”, ông Vũ Quang Hào nói.
Các thành viên Ban giám khảo cũng nêu vấn đề về ứng dụng công nghệ số để sản xuất phát thanh trên đa dạng nền tảng và có ý kiến rằng phát thanh trực tiếp đang bị truyền hình hoá…
Bà Lưu Thị Thanh Hà, Phó Giám đốc Đài PT-TH Hải Phòng, thành viên BGK nhận định: “Chúng tôi đã thấy có một sự chuyển động rất lớn trong tư duy làm phát thanh. Chúng ta hiện nay đang đứng trước những yêu cầu về đa nền tảng sản xuất chương trình và tại kỳ liên hoan lần này dấu ấn của nền tảng số rất rõ. Các Đài đã cầu thị, công phu, sáng tạo để đưa tác phẩm vừa trên phát thanh, vừa lên Fanpage cùng hình ảnh rất sinh động, giúp bổ trợ thêm cho phát thanh và giúp tác phẩm được công chúng biết đến rộng rãi. Tuy nhiên, đây cũng không phải riêng ý kiến của bản thân tôi mà cả Hội đồng giám khảo đều nhận thấy rằng, việc quá say sưa với các nền tảng mạng xã hội thì chúng ta phải bằng mọi cách để chuyển tải hình ảnh lên các nền tảng này. Thực tế, có những chương trình đạt được yêu cầu, nhưng cũng có những chương trình là không đạt yêu cầu và thậm chí là phản tác dụng”.
Bên cạnh đó, các giám khảo cũng trao đổi kinh nghiệm để MC xử lý tình huống mất kết nối với khách mời, hay do chưa kiểm soát tốt về thời gian và kịch bản khiến chương trình “bị lố” và cả sợ lố nên “cắt lời” khách mời…
Phía e-kip các Đài dự thi cũng đưa ra ý kiến và đề xuất để làm chương trình phát thanh trực tiếp hiệu quả và thực tế hơn. Bà Dương Thị Minh Hằng, Giám đốc Trung tâm Sản xuất và Lưu trữ chương trình (VOV) cũng trao đổi rõ hơn về việc hỗ trợ các đơn vị giải quyết các vấn đề kỹ thuật như “trễ hình, trễ tiếng”, hay khi nối cầu phỏng vấn khách mời... Bà Hằng cũng nêu sự cố đáng tiếc khi có đơn vị không thể liên lạc được với khách mời do vấn đề liên quan đến số điện thoại nước ngoài, khiến chương trình lỡ mất một phần trao đổi hấp dẫn.
Chia sẻ tại hội thảo, Phó Tổng Giám đốc VOV Phạm Mạnh Hùng đánh giá, trong 30 tác phẩm dự thi phát thanh trực tiếp có những đơn vị khai thác đề tài rất gần với ngành và địa phương, theo đó thu hút đông đảo công chúng. Lĩnh vực kinh tế cũng được khai thác khá tốt dù chưa nhiều tác phẩm dự thi vì đây là lĩnh vực hẹp, kén công chúng. Những chủ đề như giao thông, văn hóa cũng góp phần làm phong phú các chương trình dự thi phát thanh trực tiếp. Bên cạnh đó, chương trình thời sự trực tiếp là thế mạnh của phát thanh cũng được nhiều Đài khai thác.
“Tôi theo dõi nhiều chương trình dự thi trên các nền tảng số thì thấy lượng tương tác rất tốt, chứng tỏ chủ đề đã đáp ứng được nhu cầu nghe của công chúng. Các Đài địa phương cũng có thể khai thác các chủ đề vĩ mô hay vi mô, chủ đề gần gũi với đời sống, những hành động đẹp, những tấm gương vượt khó hoặc đề cập những số phận kém may mắn... để tạo hiệu quả cao về cảm xúc và có được lượng tương tác tốt”, nhà báo Phạm Mạnh Hùng nói.
Phó Tổng Giám đốc VOV khẳng định, yếu tố chủ đạo của phát thanh vẫn là ngôn ngữ, là tiếng nói: “Nhiều Đài chưa chú trọng đầu tư cho phát thanh, cho những người làm phát thanh chuyên nghiệp. Nếu chúng ta làm phát thanh đúng nghĩa thì phát thanh sẽ trở về đúng với những thế mạnh của nó”.
Nhà báo Phạm Mạnh Hùng cũng khẳng định, trong xu hướng truyền thông đa phương tiện hiện nay, nếu phát triển mạnh mẽ và đúng hướng, phát thanh vẫn luôn có giá trị trong lòng công chúng./.