Cảm động nghị lực phi thường
“Trước khi bắt đầu câu chuyện, chúng tôi muốn nói với cháu Mũ điều này, mong cháu thông cảm vì chương trình Kết nối 54 đang chạm vào miền ký ức buồn, rất buồn của cháu.
- Dạ không sao, nếu như câu chuyện của cháu có thể làm cho bất kỳ ai đó còn niềm tin, sức mạnh vào cuộc sống này thì cháu sẵn sàng ạ”.
Lời nói cảm xúc rưng rưng của em Hoàng Thị Mũ ngay khi mở đầu chương trình “Kết nối 54”, chủ đề “Không gục ngã” của Ban Dân tộc (VOV4), Đài Tiếng nói Việt Nam khiến khán phòng Nhà hát Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM im lặng như tờ.
Cô bé Mũ mất mẹ và em trai trong trận lũ kinh hoàng năm 2010 tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng và trở thành người “mẹ” bất đắc dĩ khi mới 7 tuổi. Mũ cáng đáng tất cả việc nhà, chăm sóc cho hai người em còn lại, một bé mới 3 tuổi đang đói ăn và bé út chỉ mới 6 tháng hãy còn khát sữa. Đến năm 12 tuổi, Mũ lại gánh vác nốt vai trò “làm cha”, là chỗ dựa duy nhất cho 2 em thơ. Dù cuộc đời quá nhiều sóng gió, song bằng nghị lực vượt qua khó khăn và đặc biệt là sự hỗ trợ, động viên, giúp đỡ của các cô giáo ở Trường tiểu học Nà Ca, Mũ đã trở lại trường học và hoàn thành tốt việc học của mình.
Còn chủ đề “Giữa lằn ranh sinh tử” của đội Phát thanh Công an nhân dân – Cục Truyền thông Công an nhân dân – Bộ Công an (phát trên kênh VOV1 Đài Tiếng nói Việt Nam) với những câu chuyện thực tế từ khách mời là Trung tá Nguyễn Chí Thành, để lại cho người nghe một ngọn lửa nghề rực cháy, sự hy sinh cao cả của những chiến sĩ công an vì dân phục vụ.
Hơn 20 năm tham gia công tác cứu nạn cứu hộ, Trung tá Nguyễn Chí Thành đã trải qua nhiều lần đứng giữa lằn ranh sinh và tử. Đặc biệt, ký ức về sự kiện xảy ra tại Cao Bằng vào cuối năm 2019 khi tìm hài cốt nạn nhân như một bộ phim về sự dũng cảm của anh Thành và đồng đội, khi thực hiện nhiệm vụ tại một hang sâu mà chưa có ai có thể tiếp cận được. Với độ sâu 220m, xuống hang lại có đá rơi và những ngách, nhũ đá sắc nhọn, trơn trượt, tối đen như mực. Nếu hang có khí độc thì người chiến sĩ sẽ hy sinh, nhưng nếu dừng lại thì những nạn nhân đã ở dưới hang 3 năm sẽ mãi mãi ở đó. Sau sự đấu trí, anh và đồng đội quyết định xuống và hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.
Làm khách mời trong Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV trong hoàn cảnh cả nước đang nín lặng chờ ngày tiễn biệt 3 chiến sỹ cứu hỏa về đất mẹ, họ đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ, anh Thành nghẹn ngào bật khóc.
“Niềm vui và hạnh phúc nhất của người lính cứu hộ đó là cứu được người dân đang bị nạn. Không gì vui bằng cứu được nạn nhân và sau đó trở về nhìn thấy vợ con mình, cha mẹ mình, vậy thôi. Mình không có mưu cầu, mong ước gì lớn lao hết. Thế nhưng 3 đồng chí ở Hà Nội không còn được gặp cha mẹ mình, vợ con mình”, anh Thành nói.
Thêm nhiều chuyện đời trên sóng phát thanh
Câu chuyện “không gục ngã” của Hoàng Thị Mũ với tình người đùm bọc ấm áp của những cô giáo vùng cao, câu chuyện thực tế của lực lượng phòng cháy chữa cháy đã gây ấn tượng mạnh đến tất cả thính giả, khán giả. Không ai kìm được giọt nước mắt nghẹn ngào xúc động.
“Qua liên hoan phát thanh, những câu chuyện như của Trung tá Thành của em Mũ khiến bản thân tôi có sự trải nghiệm không chỉ về nghề mà còn về tình người, hy vọng đây là những năng lượng tích cực lan tỏa nhiều hơn, cũng là một động lực lan tỏa nhiều hơn để các phóng viên tôi để chuyển tải những câu chuyện hay đến với người nghe”, anh Nguyễn Huy Hoàng, phóng viên Kênh Giao thông TP.HCM chia sẻ.
Không lấy nước mắt của nhiều người, song khán, thính giả cũng phải lắng lòng suy ngẫm, nghẹn ngào trước những phận người “mắc kẹt” ngay trong thân xác của họ; sự vô tình của tạo hoá đẩy họ sống trong nghiệt ngã, ước mơ bị vùi dập, người chuyển giới khát khao được thấu hiểu hơn, cần được chia sẻ và giúp đỡ hơn bằng những sửa đổi về luật pháp. Đó là thông điệp từ phần thi phát thanh trực tiếp của VOV2 với chủ đề “Mắc kẹt” với khách mời là người phụ nữ tên Nhất Linh, 48 tuổi nhưng lại đang mang hình hài và tên họ của một người đàn ông. Linh đã từng bị chính cha ruột của mình đánh đập, lột đồ, trói lên ghế khi diện áo dài theo mong muốn và đã có ý định tự tử. Nhờ có sự bao bọc che chở của người mẹ, Linh đã được sống như mơ ước dù khổ cực, khó khăn. Mẹ chị cũng đã xuất hiện trong chương trình để đồng hành cùng “con gái”.
“Tôi muốn nói là má ơi, cuộc sống này má đã che chở cho con, má đã bao che cho con để con vươn lên, che những đòn roi và lo cho con những khi con ăn đòn từ ba. Với tôi, mẹ là tất cả trong cuộc đời của những người như tôi”, Nhất Linh chia sẻ.
Biên tập viên Đinh Thu Trang, Kênh VOV2 chia sẻ, đoàn rất bất ngờ khi đến và chứng kiến nơi ở nghèo nàn, thiếu thốn của mẹ con Nhất Linh, đó là một góc của con hẻm nhỏ - nơi người dân để xe ô tô. Trong “nhà” chỉ có một chiếc giường xếp và chiếc võng, gặp trời mưa sẽ kéo vào trong để tránh bị ướt. Theo chị Trang, những câu chuyện như Nhất Linh cần được tìm hiểu, khai thác sâu hơn để cộng đồng cảm thông, giúp đỡ họ được sống với chính mình.
“Chúng tôi cũng rất nuối tiếc vì có quá nhiều những chi tiết mà chúng tôi muốn đưa vào, nhưng vì thời lượng chương trình trôi đi quá nhanh không thể nói hết được hoàn cảnh, không thể lột tả được những khó khăn nghiệt ngã mà chị ấy đã trải qua trong cuộc sống hơn 40 năm qua”, Biên tập viên Đinh Thu Trang bày tỏ.
Không chỉ riêng tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc, còn rất nhiều câu chuyện khác vẫn thường xuyên lên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, các đài phát thanh truyền hình địa phương bằng sự đầu tư công phu, tỉ mỉ. Tâm huyết của những người làm nghề là mong muốn chuyển tải thông điệp cuộc sống, để người với người yêu thương thêm nhiều hơn, để những chính sách của Đảng và Nhà nước đáp ứng tốt hơn nhu cầu nguyện vọng của người dân./.