Tại Việt Nam, việc điều trị cho bệnh nhân COVID-19 được thực hiện theo hệ thống phân tầng, với mục tiêu chia nhóm nguy cơ của người bệnh và những yêu cầu điều trị, can thiệp điều trị cho người bệnh để phân bố nguồn lực phù hợp.
Bộ Y tế đang chia hệ thống điều trị thành 3 tầng: Tầng 1 là các cơ sở thu dung điều trị ban đầu; tầng 2 là nơi thu dung điều trị cho các trường hợp bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ như mắc các bệnh lý nền, người cao tuổi, phụ nữ mang thai…; tầng 3 là tầng điều trị cho các diễn biến nặng cần các chăm sóc, can thiệp, điều trị chuyên sâu hơn.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, việc phân chia tầng sẽ bố trí nguồn lực phù hợp để nâng cao hiệu quả điều trị. Đơn cử như tại tầng 1 sẽ được bố trí lực lượng nhân viên, trang thiết bị phù hợp, không nhất thiết phải có các hệ thống hỗ trợ hô hấp chuyên sâu, hồi sức nặng hay tại tầng 3 sẽ là các trung tâm hồi sức tích cực được trang bị đầy đủ các hệ thống ECMO, lọc máu, hệ thống thở oxy… cũng như đội ngũ y bác sĩ chuyên sâu, đặc biệt là trong lĩnh vực hồi sức tích cực.
TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Nhiệt đới- Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, vấn đề phân tầng cho bệnh nhân để đưa vào trong điều trị y tế thuộc chức năng của người làm nhân viên y tế, bởi dù là 3 tầng, 5 tầng để thực hiện có hiệu quả nhất vấn đề quan trọng vẫn là quản lý bệnh nhân. BS Hùng cho biết, mỗi 1 tầng sẽ có 1 trang thiết bị và một số lượng nhân viên y tế chuyên ngành điều trị cho phù hợp nhất để mục đích giảm áp lực cho nhân viên y tế nhiều nhất, điều trị có hiệu quả nhất, không dàn trải quá mức trang thiết bị lẫn nhân lực. Hai điều quan trọng người dân cần làm là khai báo ngay khi có các triệu chứng lâm sàng, triệu chứng nghi ngờ nhiễm bệnh và có thể gọi cấp cứu khi có dấu hiệu nặng như tần số thở, tần số nhịp tim, đo SPO2 trong máu.
“Người dân nên biết được 2 yếu tố là có bị bệnh hay không và có bị nguy cấp hay không, khi đó nhân viên y tế mới phân rõ, đánh giá một cách kỹ lưỡng để phân bố về tầng nào là phù hợp nhất. Người dân không nên tự đi đến nơi này nơi kia, bởi bản thân mình không biết được mỗi 1 tầng như thế. Quan trọng nhất là bản thân người bệnh xác định được có triệu chứng bị bệnh hay chưa và có bị nặng hay không”- BS Hùng cho biết.
Tín hiệu tích cực
Hiện nay tại TP.HCM, mô hình điều trị người bệnh COVID-19 theo “tháp 5 tầng” đang phát huy hiệu quả. Đây là kết quả học tập có sáng tạo các mô hình điều trị của thế giới, gắn với “mô hình 3 tầng” từng triển khai trong nước tại các địa phương.
Để có thể thực hiện được theo chiến lược điều trị mới, Bộ Y tế đã huy động rất lớn lực lượng cán bộ, nhân viên y tế từ tuyến Trung ương và nhiều tỉnh, thành phố, cũng như các trường đại học, cao đẳng về hỗ trợ cho điểm nóng Bắc Ninh, Bắc Giang phòng chống dịch.
Sau đó, mô hình điều trị tháp 3 tầng tiếp tục được áp dụng tại điểm nóng TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên tình hình dịch tại TP Hồ Chí Minh ngày càng phức tạp, số ca nhiễm ngày càng tăng cao, tương ứng số ca nặng và tử vong cũng tăng; sau đó mô hình tiếp tục được chuyển đổi thành mô hình “tháp 4 tầng” và lên “tháp 5 tầng” để phù hợp với kế hoạch thu dung và điều trị người bệnh trong tình hình mới.
Cụ thể, mô hình tháp 5 tầng đang được áp dụng tại TP.HCM gồm: Tầng 1 là cơ sở chăm sóc và theo dõi sức khoẻ các trường hợp F0 tại địa bàn các quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Nhiệm vụ của tầng này là sàng lọc người bệnh COVID-19 không có triệu chứng với kết quả xét nghiệm đủ điều kiện để đưa về giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú theo quy định. Tiếp theo là chăm sóc và điều trị ban đầu các trường hợp COVID-19 có triệu chứng nhẹ; và xử trí cấp cứu các trường hợp có dấu hiệu chuyển biến nặng trước khi chuyển viện. Kế hoạch tầng 1 thu dung khoảng 50% trong tổng số trường hợp F0.
Tầng 2 là Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19. Tầng này có nhiệm vụ điều trị các trường hợp mắc COVID-19 có triệu chứng, và điều trị các bệnh lý nền kèm theo; xử trí cấp cứu các trường hợp có dấu hiệu chuyển biến nặng trước khi chuyển viện. Theo kế hoạch, tầng này thu dung khoảng 27% trong tổng số trường hợp F0.
Tầng 3 là Bệnh viện điều trị COVID-19 các trường hợp có triệu chứng; với nhiệm vụ điều trị ở mức cơ bản đối với các trường hợp mắc COVID-19 có triệu chứng trung bình và nặng, có hoặc không kèm nhiều bệnh lý nền. Đồng thời hồi sức cấp cứu (thở máy) cho một số trường hợp chuyển biến nặng; xử trí cấp cứu các trường hợp có dấu hiệu chuyển biến nặng trước khi chuyển viện. Tầng 3 dự kiến thu dung khoảng 10% trong tổng số trường hợp F0. Đây là tầng hiện đang gặp nhiều khó khăn do quá tải tại TP Hồ Chí Minh, đang được huy động để hỗ trợ.
Tầng 4 là Bệnh viện điều trị COVID-19 có bệnh lý đi kèm nặng cần can thiệp điều trị chuyên khoa. Tầng này có nhiệm vụ điều trị điều trị các trường hợp mắc COVID-19 nặng có bệnh lý nền hoặc bệnh lý đi kèm; hồi sức cấp cứu (thở máy, lọc máu liên tục) cho các trường hợp nặng. Tầng này sẽ thu dung khoảng 8% trong tổng số trường hợp F0.
Ở tầng 5 là Bệnh viện hồi sức COVID-19. Ở tầng cao nhất này là những bệnh viện được trang bị đầy đủ các phương tiện hồi sức hiện đại, có nhiệm vụ hồi sức chuyên sâu cho các trường hợp COVID-19 nguy kịch. Đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc cho điều trị người bệnh COVID-19 có triệu chứng nặng và nguy kịch theo phác đồ của Bộ Y tế. Tầng này phụ trách thu dung khoảng 5% người bệnh rất nặng trong tổng số trường hợp F0.
Việc linh hoạt thay đổi mô hình điều trị đã mang lại kết quả khả quan khi những ngày gần đây, số lượng người bệnh COVID-19 được chữa khỏi đã lên tới hàng nghìn bệnh nhân/ngày. Đặc biệt, rất nhiều bệnh nhân nguy kịch đã được chữa khỏi ngay tại "tầng thứ 5" của mô hình này.
Để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong, Bộ Y tế đã điều các lãnh đạo cục/vụ liên quan và giám đốc bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện chuyên khoa tuyến trung ương của Bộ Y tế vào thành phố để chung sức thiết lập hệ thống điều trị, đặc biệt là hệ thống hồi sức tích cực cho bệnh nhân COVID-19.
Tại TP.HCM, các quyết sách chống dịch được chuyển trọng tâm từ xét nghiệm sang điều trị. Số bệnh viện dã chiến và bệnh viện hồi sức COVID-19 được thiết lập với 16 bệnh viện dã chiến, 4 trung tâm hồi sức cấp cứu.
Với những nỗ lực nâng cấp khối điều trị, bổ sung chuyên gia, thầy thuốc liên tục, lượng F0 được xuất viện tại tâm dịch lớn nhất cả nước tăng mạnh. Thống kê từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho thấy tổng số ca điều trị khỏi tính từ khi dịch bệnh bắt đầu đến sáng 6/8 là 46.795 trường hợp.
Đặc biệt, nhiều ngày thành phố có số F0 xuất viện lên tới hàng nghìn ca. Tốc độ F0 đủ điều kiện xuất viện trong 14 ngày trở lại đây tăng vọt. Đây là dấu hiệu tích cực, đồng thời giảm áp lực cho khối điều trị./.
Box: Vừa qua, tại hội nghị trực tuyến và tập huấn về tăng cường công tác điều trị, hồi sức tích cực trong phòng chống COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ, trong đợt dịch thứ 4 này, khi dịch xảy ra thường chỉ trong một thời gian ngắn, diễn biến nhanh, nhiều ca nhiễm, nên cần cần chuẩn bị sẵn năng lực phòng chống dịch để chủ động ứng phó với dịch. Ông Long cũng yêu cầu phải phân tầng điều trị phù hợp. “Việc phân tầng điều trị rất quan trọng, trong đó có vai trò điều tiết bệnh nhân đến các tầng phù hợp để tránh đưa bệnh nhân chưa nặng lên tầng cao, tránh để bệnh nhân có nguy cơ tử vong ở tầng 1 và tầng 2. Việc điều phối, vận chuyển bệnh nhân, tiếp nhận bệnh nhân phải được thực hiện bài bản”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý.