Sáng nay (16/9) tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo về chính sách giảm hại trong phòng, chống mại dâm: Vấn đề an toàn, sức khỏe và quyền con người”.

Thông tin tại hội nghị cho biết, theo thống kê của Bộ LĐTBXH, Việt Nam hiện có khoảng 161.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” với hàng trăm nghìn lao động. Hầu hết những lao động này đang làm trong khu vực phi chính thức và có nguy cơ cao bị vi phạm quyền của người lao động.

mai_dam_pqzs.jpg
Các đại biểu tham gia hội thảo

Tại những cơ sở kinh doanh này, đặc biệt những nơi có khả năng liên quan đến mại dâm, lao động thường đối mặt với một số rủi ro như: không có hợp đồng lao động, bị giữ lương, ép uống rượu bia, thậm chí là bạo lực từ “khách làng chơi” nghiện ma túy, say rượu... Họ cũng có nguy cơ cao bị nhiễm HIV và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, đặc biệt là những những người có khả năng kinh tế kém và bán dâm.

Báo cáo của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTBXH) cũng cho thấy, thực tế vẫn có những dấu hiệu của lao động cưỡng bức trong lĩnh vực này, như không được trả lương mà chỉ có tiền “bo”, làm quá thời gian quy định, lao động để trả nợ… Người bán dâm cũng có nguy cơ bị hãm hiếp, bị đánh đập để trả nợ, bị “đầu gấu”, bảo kê xin đểu; có nguy cơ cao mắc bệnh xã hội, mang thai ngoài ý muốn, khó tiếp cận dịch vụ y tế, không được điều trị ARV khi nhiễm HIV...

Bên cạnh đó, phần lớn gái mại dâm sử dụng ma túy đá; một số vừa dùng heroin vừa dùng ma túy đá, trong khi không được tiếp cận thuốc cai nghiện.

Theo ông Chang-hee Lee, Giám đốc ILO tại Việt Nam, từ năm 2003, việc đảm bảo quyền của người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ đã được Chính phủ ghi nhận và được đề cập trong Pháp lệnh Phòng chống mại dâm. Bảo vệ quyền cho người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm đã được đưa vào Chương trình Hành động phòng chống mại dâm giai đoạn 2016 – 2020. Đây là việc làm có ý nghĩa để bảo vệ quyền của lực lượng lao động thường “bị lãng quên” này.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm cũng nhấn mạnh, Chương trình Hành động phòng chống mại dâm giai đoạn 2016 – 2020 với mong muốn kiểm soát tình hình hoạt động mại dâm trên từng địa bàn, địa phương; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là nhóm đối tượng yếu thế.

Qua đó trang bị kiến thức, hiểu biết để họ phòng, tránh đi vào con đường hành nghề mại dâm; đồng thời cung cấp các dịch vụ giảm hại để những người hoạt động mại dâm, cũng như có nguy cơ làm mại dâm, tự bảo vệ mình.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm khẳng định, Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định, phần nào không để hoạt động mại dâm gia tăng gây bức xúc trong xã hội, góp phần làm giảm các bệnh xã hội, HIV. Người làm nghề mại dâm cũng được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tư vấn nghề nghiệp, tâm lý…

Ông Nguyễn Trọng Đàm cũng cho biết, sau khi tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh, từ nay đến 2019, Luật về mại dâm sẽ được đưa vào chương trình xây dựng Luật của Bộ LĐTBXH./.