Năm 2014, lần đầu tiên Việt Nam đưa được hơn 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có thị trường lao động chất lượng cao như Nhật Bản đã tiếp nhận lao động Việt Nam với số lượng gia tăng.
Đây là triển vọng tiếp tục được dự báo sẽ duy trì trong năm 2015. Tuy nhiên, công tác xuất khẩu lao động trong thời gian tới vẫn còn nhiều thách thức.
Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn ông Tống Hải Nam - Phó cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về nội dung này.
PV: Trong năm 2015, Cục Quản lý Lao động ngoài nước sẽ tập trung triển khai những giải pháp gì để duy trì số lượng cũng như đảm bảo chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài, thưa ông?
Ông Tống Hải Nam: Trong năm 2015, kế hoạch đặt ra là sẽ cố gắng để đạt con số 100.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Để làm tốt công tác này, chúng tôi cần chuẩn bị làm tốt công tác tuyển chọn, đào tạo, chuẩn bị nguồn lao động.
Đồng thời trong quá trình người lao động làm việc ở nước ngoài, chúng tôi sẽ kết hợp với cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước sở tại có biện pháp theo dõi, giám sát, quản lý người lao động, để xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh, làm giảm những rủi ro có thể xảy ra với người lao động.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp với cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài đẩy mạnh hơn nữa công tác phát triển thị trường ngoài nước thông qua việc mở rộng lĩnh vực, ngành nghề hoặc phát triển thị trường mới trong năm 2015 và những năm tiếp theo.
PV: Một vấn đề tiếp tục được quan tâm nhiều trong năm qua là tình trạng lao động hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài. Vậy năm nay Bộ LĐ-TB&XH và Cục Quản lý Lao động ngoài nước có giải pháp gì để chấn chỉnh tình trạng này, thưa ông?
Ông Tống Hải Nam:Chúng tôi vận động, tuyên truyền những gia đình có người lao động sắp hết hạn hợp đồng không về nước đúng hạn, đồng thời để động viên con em họ đang làm việc ở nước ngoài về nước đúng hạn hợp đồng; tuyên truyền cho những người chuẩn bị ra nước ngoài làm việc biết quyền và nghĩa vụ của họ, việc nếu vi phạm hợp đồng và ở lại cư trú, làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài thì sẽ bị xử phạt như thế nào.
Ngoài ra, chúng tôi đã báo cáo và trình Thủ tướng Chính phủ thực hiện riêng đối với thị trường Hàn Quốc thực hiện ký Quỹ 100 triệu đồng.
Có nghĩa, tất cả lao động Việt Nam đi làm việc ở Hàn Quốc theo Chương trình EPS đều phải ký Quỹ 10 triệu đồng.
Tất nhiên, khi người lao động hoàn thành hợp đồng và về nước đúng hạn sẽ được nhận lại số tiền quý này.
Bên cạnh đó, chúng tôi đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định 95 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Trong đó, có chế tài xử phạt đối với người lao động vi phạm hợp đồng không về nước đúng hạn, mức tối đa xử phạt là 100 triệu đồng.
Trong năm 2015 chúng tôi tiếp tục triển khai các giải pháp này, đồng thời tính đến các giải pháp như: Hạn chế tuyển chọn lao động ở những địa phương có tỷ lệ người lao động hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài cao hoặc là có những chế tài xử lý nghiêm hơn để làm sao hạn chế tối đa tình trạng lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng không về nước mà làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài.
PV: Thưa ông, đưa lao động chất lượng cao đi làm việc ở nước ngoài đang là mục tiêu hướng tới của Việt Nam, vậy công tác tuyển dụng và đào tạo những lao động này đang được triển khai như thế nào?
Ông Tống Hải Nam: Trong năm nay, Cục Quản lý Lao động ngoài nước tiếp tục triển khai 2 chương trình gồm: Đưa điều dưỡng, hộ lý Việt Nam đi học tập và làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức và Nhật Bản, tạo cơ hội cho các em tốt nghiệp các chuyên ngành điều dưỡng, hộ lý ra trường có cơ hội đi học tập và làm việc ở những nước có nền kinh tế, y tế phát triển hiện đại; Chúng tôi cũng đã triển khai Dự án hỗ trợ xuất khẩu lao động thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về việc làm. Ở đây, có phần hỗ trợ đào tạo lao động kỹ thuật cao đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có những ngành nghề như: Hàn 3G, Hàn 6G, đốc công, điều dưỡng.
Có nghĩa là những doanh nghiệp nào ký được hợp đồng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trong những ngành nghề kỹ thuật cao thì sẽ được hỗ trợ để đào tạo lao động đáp ứng theo trình độ Hàn 3G, Hàn 6G, đốc công, điều dưỡng theo tiêu chuẩn nước ngoài.
Đối với những thị trường mà chúng tôi dự kiến sẽ đẩy mạnh triển khai đưa lao động kỹ thuật Hàn Quốc, hiện nay, bên cạnh Chương trình EPS, Hàn Quốc còn tiếp nhận lao động kỹ thuật cao, thông qua Chương trình visa E7 hoặc là Chương trình thẻ vàng.
Đối với thị trường Nhật Bản chúng tôi cũng đưa lao động là kỹ sư trong ngành điện tử, sinh học sang và chúng tôi còn tìm cách để tiếp cận, mở rộng thị trường lao động kỹ thuật cao ở khu vực châu Âu.
Còn ở khu vực Trung Đông thì có thể nói hầu hết lao động trong ngành xây dựng đi làm việc ở Trung Đông đều là những lao động đã qua đào tạo.
PV: Xin cảm ơn ông./.