Sáng 9/10, tại Hà Nội diễn ra lễ ký kết chương trình phối hợp giữa Bộ Y tế và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới nhằm kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2014 đến 2020. Chương trình do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) hỗ trợ thực hiện.

tin_2_hmys.jpgĐại diện Bộ LĐTBXH và Bộ Y tế ký chương trình phối hợp

Mất cân bằng giới tính khi sinh đang là mối quan ngại ngày càng tăng, nhất là tại các quốc gia châu Á. Tại Việt Nam, mất cân bằng giới tính khi sinh đã tăng từ 106,2 bé trai/100 bé gái năm 2000 lên 113,8 bé trai/100 bé gái năm 2013 và xu hướng này còn đang tiếp tục gia tăng. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với một viễn cảnh dư thừa từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ để kết hôn.

Có nhiều bằng chứng ở châu Á và Việt Nam cho thấy, mất cân bằng giới tính khi sinh chủ yếu là do việc lựa chọn giới tính thai nhi, mà nguyên nhân sâu xa là do định kiến giới, ưa thích con trai và xem thường trẻ em gái đã ăn sâu bám rễ trong các quan niệm văn hóa.

Những tư tưởng truyền thống lâu đời này đã tạo nên áp lực nặng nề đối với phụ nữ về việc phải sinh được con trai và ảnh hưởng cơ bản tới vị thế kinh tế, xã hội cũng như đời sống sinh sản và tình dục của người phụ nữ liên quan đến sức khỏe cũng như sự sống còn của họ.

Chương chình ký kết giữa hai Bộ trong nằm trong chiến dịch “Chung tay giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh”, nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và phối hợp tổ chức thực hiện của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và ngành Y tế các cấp trong công tác tuyên truyền, thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; nâng cao nhận thức, thái độ và thực hành của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng về bình đẳng giới, kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Chương trình phối hợp tập trung vào nghiên cứu đánh giá và đề xuất cơ chế, chính sách liên quan đến bình đẳng giới; truyền thông – giáo dục nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới nhằm kiểm soát và giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh.

“Phân biệt đối xử đối với trẻ em gái dù ở bất cứ nơi đâu trên thế giới là mặt trái của xã hội, là sự vi phạm nhân quyền, cần phải được chấm dứt. Bé gái, cũng như bé trai, xứng đáng được hưởng sự yêu thương, cơ hội và quyền bình đẳng trong suốt cuộc đời mình” – là thông điệp của chương trình./.