Sản phụ Phạm Thị H. 30 tuổi, ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc nhập viện tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc ngày 21/8/2020 trong tình trạng đau bụng hạ vị. Bệnh nhân có thai lần 3, có 2 lần mổ đẻ, lần thứ nhất năm 2011, lần thứ 2 năm 2016. Lần này, bệnh nhân dự kiến sinh ngày 28/10/2020. Quá trình mang thai khỏe mạnh. Hai ngày trước khi vào viện có đau bụng âm ỉ, không ra máu và phát hiện rau tiền đạo và chỉ định vào viện.
Khi siêu âm có 1 thai ngôi ngang, rau bám mặt trước, bánh rau lan qua lỗ trong cổ tử cung, mất khoảng sáng sau rau, phổ Doppler tăng sinh mạch, có mạch máu đâm xuyên sang đến thành bàng quang, thai nhi khoảng 1800g, chẩn đoán thai 33 tuần dọa đẻ non, rau tiền đạo, rau cài răng lược trên vết mổ đẻ cũ 2 lần.
Đây là 1 trong 8 trường hợp ca bệnh từ tuyến dưới gửi lên để triển khai chỉ đạo từ xa tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội diễn ra chiều 18/9.
Tại buổi hội chẩn, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc đã xin ý kiến hội chẩn, các yếu tố chuẩn bị một cuộc mổ rau cài răng lược và các tình huống có thể gặp trong mổ và chiến lược xử lý các tình huống từ các chuyên gia của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Về trường hợp bệnh nhân này, Ths.BSCKII Đỗ Khắc Huỳnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ, rau cài răng lược là 1 trong những hình thái rất phức tạp và đầy nguy hiểm. Vì vậy, cần phải chuẩn bị tâm lý cho người bệnh và thầy thuốc.
“Đối với trường hợp này, bệnh lý có thể rất nặng nhưng chúng ta không nên tham vấn trực tiếp trả lời với người bệnh, bởi vì điều đó sẽ khiến người bệnh hoang mang và gặp nguy hiểm. Việc này chúng ta nên gặp gỡ người nhà. Tuyệt đối không được giải thích tình trạng nặng cho người bệnh, vì có thể sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc mổ nếu bệnh nhân có tâm lý lo lắng” - BS Đỗ Khắc Huỳnh nêu rõ.
Cũng theo BS Huỳnh, đối với thầy thuốc, phải lựa chọn kíp phẫu thuật nhiều kinh nghiệm. Ngoài bác sĩ, kíp gây mê phải được chuẩn bị một cách chu đáo. Người gây mê phải có kinh nghiệm; Đồng thời ê kíp mổ cần kết hợp với các bác sĩ ngoại khoa, có thể hội chẩn trước đối với các chuyên khoa, đánh giá tổng khoa người bệnh. Ngoài ra, cần phải dự trù máu vì bệnh này có thể sẽ gây mất nhiều máu khi phẫu thuật.
Về biện pháp xử lý, BS Đỗ Khắc Huỳnh cho biết, với những trường hợp như này, Bệnh viện phụ sản Hà Nội áp dụng phương pháp cắt tử cung ngược dòng (nghĩa là bóc tử cung khỏi bàng quang, thay vì trước đây là bóc bàng quang khỏi tử cung).
Giảm tỷ lệ tử vong ở mẹ và trẻ sơ sinh nhờ khám chữa bệnh từ xa
Chiều 18/9, tại lễ khai trươngTrung tâm tư vấn, khám chữa bệnh từ xa Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho rằng, trong vấn đề sản phụ khoa, bất kể bệnh lý nào cùng đều gặp phải những ca khó. Khi đó, đối với các bệnh viện tuyến trên cũng gặp khó khăn chứ không chỉ riêng tuyến dưới. Tuy nhiên, khi có sự hội chẩn của một nhóm chuyên gia thì việc chỉ đạo về tư vấn, khám, chẩn đoán và cách xử lý ca bệnh đó thuận lợi hơn rất nhiều.
PGS Ánh cho biết, hệ thống tư vấn, khám chữa bệnh từ xa đem lại hiệu quả thiết thực cho các cán bộ y tế hành nghề, đồng thời người dân được hưởng lợi từ hoạt động khám chữa bệnh, nâng cao hiệu quả điều trị. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, với hệ thống này, kiến thức và trình độ của bác sĩ ở tuyến trên được khai thác, phát huy triệt để. Đặc biệt, sẽ giảm thiểu tỷ lệ tử vong mẹ và tử vong sơ sinh.
PGS Ánh cũng cho rằng, khi thực hiện tư vấn, khám chữa bệnh từ xa, yêu cầu lực lượng y tế tuyến dưới cần có sự chuẩn bị chu đáo, đặc biệt là phải có sự kết nối thường xuyên để hệ thống đường truyền luôn được tốt. Đối với một số phẫu thuật kỹ thuật cao, để tuyến trên hoạt động hiệu quả, có điều kiện cứu sống nhiều ca bệnh hầu hết phụ thuộc vào chẩn đoán của tuyến dưới. Nếu tuyến dưới chẩn đoán quá muộn thì khi lên tuyến truyên sẽ khó còn cơ hội.
“Ví dụ trong trường hợp song thai truyền máu cho nhau, nếu để lại biến chứng, đứa bé bị biến chứng vào tim, gây suy tim, suy não, dù được đưa lên bệnh viện tuyến trên, bác sĩ nếu có phẫu thuật, cũng không còn cơ hội để cứu sống. Nhưng nếu tuyến dưới cùng với chúng tôi chẩn đoán, chuyển lên ngay thì sẽ có cơ hội cứu sống đứa bé. Vì vậy, cần sự phối hợp chặt chẽ của tuyến trên và tuyến dưới”- PGS.TS Nguyễn Duy Ánh cho biết.
Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng tin tưởng rằng, hệ thống khám chữa bệnh từ xa chắc chắn sẽ phát huy hiệu quả tối đa, tuyệt đối tránh tình trạng có công cụ mà không dùng đến./.