“Công nhân đình công chắc chắn có người khởi xướng và lãnh đạo, không thể nói là tự phát được. Công đoàn đã từng lãnh đạo công nhân đình công đòi quyền lợi chính đáng của công nhân chưa?"- Đó là một trong những nội dung mà Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng đặt ra trong buổi làm việc với Khu chế xuất Tân Thuận (Quận 7) vào sáng 23/8.
Theo Liên đoàn Lao động TP HCM, công nhân đình công tại các khu công nghiệp, khu chế xuất hoàn toàn do tự phát, công đoàn chưa từng lãnh đạo vụ đình công nào. Hiện nay, kỹ năng của cán bộ công đoàn trong việc thương lượng và giải quyết nhu cầu của công nhân còn yếu kém, chưa hiệu quả.
Bí thư Đinh La Thăng cho rằng, vai trò của công đoàn ở đâu khi chưa từng tập hợp phản ánh của người lao động để thương lượng với doanh nghiệp? Rõ ràng, yêu cầu của công nhân là chính đáng nên sau khi đình công, doanh nghiệp phải giải quyết.
Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng, công nhân tự phát vì họ chưa coi công đoàn là thủ lĩnh. Công đoàn cần phải trở thành người lãnh đạo của công nhân, thương lượng với doanh nghiệp, nhằm hạn chế tình trạng đình công tự phát như lâu nay.
“Chúng ta phải kiên trì và chứng minh cho họ thấy tác dụng của các tổ chức công đoàn. Nếu chúng ta không chủ động thì khi Hiệp định TPP có hiệu lực, các nơi họ thành lập tổ chức khác thì công đoàn sẽ mất hết đoàn viên của mình”- Bí thư Đinh La Thăng nói.
Bí thư Đinh La Thăng: Phải đầu tư chăm lo tối đa cho công nhân
Cũng tại buổi làm việc, ông Marvin Tsao, Tổng Giám đốc công ty TNHH Tân Thuận cho rằng, đơn vị đứng ra xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình xã hội phục vụ đời sống công nhân nên phải luôn bù lỗ. Đồng thời đề xuất, việc xây dựng các công trình này cần phải có trách nhiệm chung của cả chính quyền, không chỉ riêng của đơn vị xây dựng cơ sở hạ tầng.
Phản bác điều này, ông Đinh La Thăng cho rằng, doanh nghiệp đầu tư khu chế xuất này không hề bù lỗ. Phụ phí cơ sở hạ tầng là do các doanh nghiệp trong khu chế xuất chi trả vì họ thuê mặt bằng. Do vậy, đơn vị xây dựng cơ sở hạ tầng phải có trách nhiệm ổn định đời sống cho công nhân - nghĩa là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có được sự ổn định và phát triển.
Vấn đề nhà ở cho công nhân cũng đã được Bí thư Đinh La Thăng chú trọng và liên tục truy hỏi chính quyền, sở, ban ngành liên quan. Hiện tại, nhà lưu trú công nhân Khu chế xuất Tân Thuận có 6 block nhà với ba chủ đầu tư. Tuy nhiên, mới đáp ứng được 7% nhu cầu của công nhân, còn lại phần lớn công nhân thuê nhà trọ ở xung quanh khu chế xuất.
Ông Thăng nhấn mạnh, sau khi thị sát thực tế tại khu lưu trú thấy còn nhiều bất cập, như 1 căn phòng lưu trú có tới 2 gia đình công nhân vào ở; công nhân không thiết tha ở nhà lưu trú vì những quy định bất cập, thiếu các mô hình sinh hoạt văn hóa lành mạnh phù hợp với công nhân…
Ông Lê Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận 7 giải trình kế hoạch mở rộng các khu đất để xây nhà lưu trú cho công nhân: “Quận cũng đang điều chỉnh rà soát lại quy hoạch của cả quận chứ không phải chỉ có khu chế xuất, dự kiến giao 2 khu đất tổng cộng 10 hecta so với quy hoạch để xây dựng nhà lưu trú cho công nhân. Ban quản lý cũng phải vào cuộc với các nhà đầu tư , phải điều chỉnh và bổ sung, công nhân chưa ở thì chúng ta cũng phải xây”.
Bí thư Đinh La Thăng trăn trở, làm sao người lao động chỉ cần bỏ ra 100 triệu đồng mà vẫn mua được một căn hộ, gắn với những tiện ích đi kèm là nhà trẻ, chợ, siêu thị… Có thể đưa ra các mức diện tích nhà khác nhau để người lao động lựa chọn. Không thể có tư tưởng coi người lao động là công dân hạng hai của thành phố.
Bí thư Thành ủy cũng đã chỉ đạo các cơ quan rà soát, quy hoạch dành quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân lao động theo ba hình thức: bán hẳn cho họ, trả góp hoặc trả trả theo đợt…
Kết thúc buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng đề nghị các ban, ngành thành phố cần chú trọng xây dựng và phát triển đời sống cho công nhân, vì điều đó tương đương với việc xây dựng Đảng.
Bên cạnh đó là cần đổi mới nội dung sinh hoạt của các trung tâm sinh hoạt văn hóa công nhân; kịp thời nắm bắt được tâm tư của người lao động, không để xảy ra các cuộc đình công tự phát…/.