Chỉ cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 2km, nhưng nhiều năm qua, gần 800 hộ dân tại khu vực 1 và khu vực 2, phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định luôn thiếu nước sạch sinh hoạt. Nguồn nước ở đây bị nhiễm phèn và ô nhiễm, trong khi nước sạch ở thành phố thì không đến được với bà con.
Bà Thanh đang đổ nước vào để lọc. |
Khu vực 1, khu vực 2, Phường Ghềnh Ráng bị ngăn cách với trung tâm thành phố Quy Nhơn bởi đèo Quy Hòa với quãng đường dốc chừng 2km. Nhiều năm qua, người dân nơi đây không có nước sạch để dùng. Gia đình bà Nguyễn Thị Thanh nhiều năm qua phải mua nước bình về uống, mỗi ngày tốn vài chục ngàn đồng. Bà Nguyễn Thị Thanh than phiền: “Ở đây nhà ai cũng bị nhiễm phèn. Giờ nhà ai cũng phải lọc, nó vàng quá uống không biết mình có sao không, cũng không biết. Khổ quá, cũng phải uống chứ tiền đâu ra mà uống nước, 2, 3 ngày mua thùng tiền đâu mà mua nước”.
Cùng chung nỗi lo lắng về nguồn nước sinh hoạt như bà Thanh, gần 800 hộ dân với hơn 3.000 nhân khẩu ở phường Ghềnh Ráng đang khan hiếm nước sinh hoạt. Ông Trần Phúc Quốc bức xúc: “Chúng tôi rất bức xúc trong vấn đề nước sinh hoạt. Nước vừa bùn, vừa hôi, vừa phèn kể cả trong việc tắm rửa chứ đừng nói ăn uống. Muốn cho khỏi ngứa chúng tôi phải lắng cái nước trong xô chắt đi nước phèn đóng lại hoặc nước bùn đóng lại rồi tắm nước trên, nên sức khỏe về bệnh ngoài da khó tránh khỏi”.
Nhiều năm qua, người dân tại khu vực này đã phản ánh, kiến nghị các cấp chính quyền quan tâm cung cấp nước sạch cho bà con. Ông Võ Chí Thiện, Chủ tịch UBND phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định cho biết: Hiện, thành phố Quy Nhơn vẫn chưa thể đưa nước sạch về tới nơi đây: “Trong thời gian qua các cuộc họp tiếp xúc cử tri của tỉnh, thành phố, của phường, thành phố, tỉnh nhân dân cũng có kiến nghị Nhà nước cần quan tâm để đưa nguồn nước sạch vào cải thiện đời sống nhân dân tốt hơn. Chúng tôi trách nhiệm địa phương cũng đã gửi tất cả cách kiến nghị đến các ngành, các cấp xem xét giải quyết trả lời, nhưng việc đó cũng chưa được giải quyết ngay”.
Nhà nào cũng phải lọc nước qua mấy lần mới có nước để dùng. |
Năm 2013, UBND tỉnh Bình Định đã có phương án xây dựng các trạm điều áp nước với kinh phí khoảng 18 tỷ đồng, nhằm cung cấp nước sạch cho người dân khu vực này. Hiện nay, phương án này còn nằm trên giấy. Do phải đưa nước vượt đèo nên UBND tỉnh Bình Định tính đến phương án nhờ tỉnh Phú Yên lấy nguồn nước từ thị xã Sông Cầu dẫn về nhưng cũng không mấy khả thi. Hơn 1 tháng qua, UBND tỉnh Bình Định giao Công ty Cổ phần cấp thoát nước Bình Định tiến hành nghiên cứu phương án trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.
Ông Nguyễn Văn Châu, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bình Định cho biết: Đơn vị đang tính phương án xây dựng tháp điều áp đưa nước từ thành phố Quy Nhơn đến khu vực này: “Vừa rồi UBND tỉnh đã giao cho Công ty tiến hành lập Dự án đầu tư. Riêng Dự án này cấp nước cho khu vực 1, 2 phường Ghềnh Ráng gắn liền với việc cấp nước cho 10 điểm du lịch. Vì địa hình của khu vực 1, 2 phường Ghềnh Ráng khá phức tạp, nó qua đèo dốc nên phải tính toán rất kỹ về cao trình kể cả áp lực nước cho đảm bảo”.
Hà Nội khánh thành nhà máy xử lý nước thải làng nghề lớn nhất cả nước
VOV.VN -Đây là nhà máy xử lý nước thải làng nghề lớn nhất cả nước, thu gom và xử lý nước thải khu vực làng nghề Cầu Ngà, mang lại lợi ích về sức khỏe người dân.
Việc cấp nước sạch cho gần 800 hộ dân ở thành phố Quy Nhơn là cấp thiết. Người dân mong chờ chính quyền và ngành chức năng tỉnh Bình Định có giải pháp cấp nước sạch cho người dân 2 khu vực này càng sớm càng tốt./.