Cầu treo bản Pom Sinh, xã Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo – Điện Biên có chiều dài hơn 80m và được đầu tư xây dựng từ năm 1992. Sau hơn 20 năm đưa vào sử dụng, cây cầu này đã khá sập sệ. Mố cầu, thân cầu và hệ thống dây cáp néo, trụ cầu đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Phần ván lát mặt cầu cũng đã bị mục nát, người dân đã phải thay thế bằng nhiều lớp tre, nứa và gỗ để đi lại.

Biết là qua lại trên cây cầu này khá nguy hiểm, nhất là trong mùa mưa nhưng người dân cũng không có cách nào khác vì đi vòng đường khác thì quá xa. Bây giờ cây cầu đã được sửa chữa, thay thế người dân ở bản rất phấn khởi.

sap_cau_lai_chau_6_rnyy.jpg
Cầu treo bản Chu Va 6 ở huyện Tam Đường, Lai Châu bị sập hồi tháng 2/2014 khiến nhiều người chết

Huyện Tuần Giáo có 17 cây cầu treo đều đã xuống cấp nghiêm trọng. Sau sự cố cầu Chu Va ở Lai Châu, huyện Tuần Giáo đã trích ngân sách 4,5 tỷ đồng để sửa chữa lại cầu treo. Các cây cầu này được bổ sung hệ thống dầm thép dọc thân cầu, thay thế hoàn toàn hệ thống mặt sàn cầu bằng các tấm thép khổ lớn; gia cố lại mố cầu, hệ thống giá đỡ và dây cáp.  

Ông Nguyễn Phi Sông, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: “Qua rà soát, chúng tôi đã phải tháo dỡ 4 cây cầu vì không còn sử dụng được. Phương án của chúng tôi là sẽ làm ngầm tạm để cho bà con đi lại. Đến thời điểm này đã hoàn thành việc sửa chữa 13 cầu treo khác, đảm bảo cho nhân dân đi lại an toàn trong mùa mưa lũ năm nay”.

Huyện Tuần Giáo là địa phương đầu tiên của tỉnh Điện Biên hoàn thành việc sửa chữa lại hệ thống cầu treo. Trong khi toàn tỉnh Điện Biên có gần 130 cây cầu treo, trong đó có 25 chiếc đã suy giảm khả năng chịu lực, gần 40 chiếc ở mức nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm. Tình trạng xuống cấp của các cây cầu treo dân sinh này các cấp chính quyền đều biết nhưng để sửa chữa, khắc phục được quả là bài toán khó.

Mỗi năm, quỹ bảo trì đường bộ của tỉnh Điện Biên chỉ thu được khoảng 20 tỷ đồng để bảo trì đường giao thông, cầu cống trong khi làm một cây cầu treo cần từ 3-5 tỷ đồng. Việc huy động người dân và nhà nước cùng làm càng khó bởi đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, sống không tập trung.

Ông Tống Duy Kim, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Điện Biên cho biết: “Khó khăn nhất là thiếu kinh phí bảo trì. Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ thực hiện bảo dưỡng theo định kỳ và hướng dẫn người dân về đoàn người, tải trọng phương tiện đi qua để đảm bảo an toàn”.

Ngoài những vị trí đã có cầu treo dân sinh, Điện Biên vẫn còn tới 60 vị trí qua sông suối cần thiết được đầu tư cầu treo, ước tính tổng kinh phí gần 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, với những khó khăn bởi kinh phí hiện nay thì người dân ở vùng cao Điện Biên vẫn phải đối mặt với những nguy hiểm đang rình rập bởi những cây cầu treo đang từng ngày xuống cấp, nhất là trong mùa mưa lũ./.