Mỗi năm nước ta phát hiện thêm khoảng 130.000 người nhiễm bệnh lao, trong đó, khoảng 3.500 người mắc lao đa kháng thuốc. Số bệnh nhân lao đa kháng thuốc có xu hướng tăng đang gây trở ngại cho công tác phòng chống bệnh lao tại cộng đồng. Nếu không có biện pháp đối phó kịp thời với tình trạng này thì thời gian tới, số người chết vì bệnh lao sẽ không dừng lại ở con số 18.000 người mỗi năm như hiện nay.

Anh Nguyễn Quốc Cường, 37 tuổi ở thành phố Quy Nhơn thường xuyên phải điều trị bệnh lao đa kháng thuốc tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Bình Định. Mỗi đợt điều trị cả tháng trời, anh phải nghỉ việc và tốn kém từ 6 -7 triệu đồng/tháng. Điều đáng nói là anh nhiễm bệnh từ một bệnh nhân lao đa kháng thuốc nên chỉ sau một thời gian ngắn điều trị, vi khuẩn lao trong cơ thể anh đã nhanh chóng kháng với loại thuốc thông thường.

Anh Nguyễn Quốc Cường cho biết: “Lúc đầu, kết quả điều trị của tôi khá tốt nhưng đến 2 tháng cuối, tôi cảm thấy ho trở lại, lúc đó tôi đi xét nghiệm lại thì bác sỹ cho biết tôi bị lao kháng thuốc. Mặc dù trong quá trình điều trị, tôi tuân thủ rất nghiêm ngặt phác đồ điều trị của bệnh viện”.

benh-lao.jpg
Bác sĩ kiểm tra phổi cho bệnh nhân (Ảnh: Tuổi trẻ)

Những người nhiễm vi khuẩn lao từ một bệnh nhân lao đa kháng thuốc sẽ phải sử dụng nhiều loại thuốc cùng 1 lúc, điều trị lâu dài, tốn kém nên tỷ lệ bỏ điều trị và tử vong cao. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hệ quả: mỗi năm nước ta có khoảng 18.000 người chết vì bệnh lao, gần gấp đôi số người chết vì tai nạn giao thông. Hiện số bệnh nhân lao đa kháng thuốc trong cả nước chiếm hơn 4%, tăng gần gấp đôi so với 4 năm trước.

Bác sỹ Võ Kiên Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Bình Định cho biết, nếu như năm 2010, bệnh viện chỉ phát hiện 26 bệnh nhân bị lao kháng thuốc thì đến nay, con số đó đã tăng lên hơn 100 bệnh nhân.

“Thách thức lớn nhất của chúng tôi là tỷ lệ lao kháng thuốc ngày càng nhiều. Không chỉ có bệnh nhân ở Khánh Hòa mà còn có bệnh nhân ở Phú Yên, Kon Tum, Đắk Lắk, Đà Nẵng, Quảng Ngãi vì bệnh viện chúng tôi có máy xét nghiệm chẩn đoán lao đa kháng thuốc. Đa số những bệnh nhân lao đa kháng thuốc này đều thất bại với nhiều phác đồ điều trị", Bác sĩ Võ Kiên Cường cho biết thêm.

Theo Tiến sĩ Đinh Ngọc Sỹ - Chủ tịch Hội Lao và bệnh phổi Việt Nam, nước ta đang đứng thứ 2 trong số 22 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bệnh lao và mỗi năm có khoảng 3.500 bệnh nhân lao đa kháng thuốc. Không ít chủng vi khuẩn lao trong cơ thể những bệnh nhân này kháng với những loại thuốc mạnh nhất hiện nay.

Tiến sĩ Đinh Ngọc Sỹ nói: “Chúng ta mới quản lý được khoảng 1.000 bệnh nhân lao đa kháng thuốc xuất hiện hàng năm; còn 2/3 bệnh nhân chưa được phát hiện, quản lý. Điều nguy hiểm nhất hiện nay là số bệnh nhân lao đa kháng thuốc chưa được quản lý sẽ là nguy cơ tiếp tục lây nhiễm vi khuẩn lao đa kháng thuốc cho nhiều người khác. Chúng tôi đang mở rộng diện quản lý bằng cách phát hiện bệnh nhân lao đa kháng thuốc trong cộng đồng càng sớm càng tốt.”

Một tin vui cho những bệnh nhân lao nó chung, lao đa kháng thuốc nói riêng là thời gian tới ngành Y tế sẽ áp dụng phác đồ mới điều trị bệnh lao, sử dụng những loại thuốc phổ cập nhất hiện nay và rút ngắn thời gian điều trị. Hiện đã có hai loại thuốc mới điều trị bệnh lao đã được cơ quan chức năng phê duyệt sử dụng.

Đặc biệt, cuối năm nay, Việt Nam sẽ là nước đầu tiên sử dụng loại thuốc mới điều trị bệnh lao cho các trường hợp trước giai đoạn siêu kháng thuốc và dự kiến đến năm 2018, sẽ có những loại vaccine mới phòng bệnh lao hiệu quả hơn./.