Hiện có khoảng 1/3 dân số thế giới nhiễm lao, mỗi năm có hơn 9 triệu người mắc lao và 2 triệu người chết do lao. Việt Nam xếp thứ 12 trong 22 nước có số bệnh nhân lao nhiều nhất thế giới. Tỷ lệ mắc lao ở lứa tuổi từ 19-25 cao hơn so với các quốc gia khác. Trong khi đó, công tác phòng chống Lao vẫn còn nhiều khó khăn vì thiếu thốn nhân lực và tài chính. Đặc biệt là ở miền núi, vùng sâu vùng xa, trình độ dân trí không đồng đều, những người bị bệnh lao khó tiếp cận dịch vụ y tế, xảy ra tình trạng tái nhiễm lao sau một thời gian chữa trị nếu như không phòng bệnh đúng quy định.
Hướng tới mục tiêu thanh toán bệnh lao năm 2030, cần tăng cường phát hiện sớm, đảm bảo bệnh nhân lao được quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế và hướng dẫn của chương trình chống lao tại cơ sở y tế tư nhân và các Bệnh viện đa khoa. Đồng thời huy động cộng đồng cùng tham gia công tác chống lao.
PGS. TS Đinh Ngọc Sĩ - Chủ nhiệm Chương trình chống Lao Quốc gia Việt Nam cho rằng: Các cấp chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm về sức khỏe nói chung, bệnh lao nói riêng của một khu vực dân cư nào đó, y tế chỉ là một cơ quan tham mưu về kĩ thuật thôi chứ không phải đứng ra làm tất cả. Để đảm bảo hệ thống y tế đủ năng lực, đủ sức mạnh thì phải có con người. Và người dân phải hiểu được bệnh lao không có gì đáng sợ, phải đi khám và phát hiện, nghe theo bác sĩ đầy đủ thì sẽ chữa được./.