Gia đình chị Cầm Thị Phóng, một trong những hộ đầu tiên chuyển về đây, giờ trở thành hộ kinh tế khá giả của bản.
Chị Phóng cho biết: Ngày mới dời quê cũ về đây, gia đình cũng giống như các hộ khác trong bản đều rất bỡ ngỡ, lạ nước lạ cái. Ngay sau khi được chính quyền và người dân sở tại giúp đỡ ổn định cuộc sống, gia đình chị đã gieo cấy trên diện tích đất được chia. Ban đầu chị Phóng nuôi lợn, dê, gà, vịt. Mỗi năm, gia đình xuất bán trên 2 tấn lợn. Khi triển khai trồng cao su tại bản, gia đình đã góp đất vào công ty và được tham gia làm công nhân của Công ty Cổ phần Cao su Sơn La. Thu nhập cả năm của gia đình giờ đạt hơn 100 trăm triệu đồng.
Sau khi chuyển về nơi tái định cư mới, đất cấy lúa nước của bà con bản Huổi Hao không còn nhiều như ở nơi cũ. Tuy nhiên, được người dân sở tại nhường cho đất nương, mỗi nhân khẩu được chia 2.500m2, bà con đã góp số diện tích này vào Công ty Cổ phần Cao su Sơn La, và được tham gia làm công nhân của công ty. Do vậy, hàng tháng người dân đều có thu nhập ổn định từ 1,5 triệu đến 3 triệu đồng.
Bên cạnh đó, người dân còn trồng xen canh ngô, đậu, đỗ để phục vụ chăn nuôi hoặc bán hàng hóa.
Bản Huổi Hao có 50 hộ dân, nay hầu như nhà nào cũng có ti vi, xe máy, đường giao thông thuận lợi, trường học, nhà văn hóa, công trình cấp nước… được đầu tư đảm bảo, nên cuộc sống của người dân đã bớt khó khăn.
Bây giờ các thầy, cô giáo ở khu tái định cư đã có thể yên tâm tập trung vào việc giảng dạy, thay vì ngày ngày gõ từng nhà vận động học sinh ra lớp như trước đây ở bản cũ. Cứ đầu buổi, cuối ngày, sau tiếng trống trường là cả khu tái định cư rộn ràng tiếng trẻ.
7 năm đến nơi ở mới chưa phải là dài, nhưng bà con bản Huổi Hao, xã Muờng Bú đã khá giả hơn trước kia rất nhiều. Kết quả này là nhờ cùng với đầu tư của Nhà nước, bà con đã chịu thương chịu khó làm nương, chăm ruộng, vun trồng cao su, phát triển mở mang chăn nuôi... để có thêm thu nhập, xây dựng "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ"./.