Tệ nạn và tội phạm ma túy cùng những hệ lụy của nó đã và đang trở thành nỗi ám ảnh của xã hội. Và cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy thực sự là trận tuyến đầy nóng bỏng khốc liệt, mà ở đó mỗi người chiến sĩ phải thể hiện được bản lĩnh, trí tuệ và sự quả cảm của mình. Trong cuộc chiến ấy, có những tấm gương mưu trí, dũng cảm và có cả những mất mát, đau đớn, đều vì sự bình yên cuộc sống.

9 năm đánh án ma túy, 13 lần đối mặt với tội phạm có vũ khí nóng, 2 lần phải uống thuốc chống phơi nhiễm HIV - những con số tưởng chừng đơn giản nhưng đã nói lên sự vất vả, hiểm nguy và tinh thần dũng cảm của đại úy Trần Trung Kiên, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm ma túy, Công an tỉnh Điện Biên trong các cuộc chiến đấu “một mất một còn” với tội phạm ma túy nơi núi rừng Tây Bắc.

Đại úy Trần Trung Kiên nói rằng, mình chẳng thể nhớ đã bao nhiêu lần anh cùng đồng đội tham gia “đánh án” và bị các đối tượng phạm tội cắn xé, cào cấu, đả thương, máu chảy đầm đìa. Dù rất cảnh giác nhưng các anh cũng không thể đề phòng hết các tình huống nguy hiểm, bởi tội phạm ma túy rất manh động, liều lĩnh, đặc biệt với các đối tượng ma túy có HIV thì sự nguy hiểm tăng lên bội phần.

ma-tuy1.jpg

Nhiều chiến sĩ đã đổ máu trên mặt trận chống tội phạm ma tuý. Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh Nghệ An và lãnh đạo Công an Nghệ An thăm hỏi động viên một chiến sĩ bị thương khi làm nhiệm vụ (Ảnh: CANA)

Không ít chuyên án sau khi được phá thành công, anh và gia đình lại nhận được những tin nhắn đe dọa. Nhưng trước bọn tội phạm ma túy, anh và đồng đội không bao giờ chùn bước. Bên cạnh đó, chính sự tin yêu của người dân là phần thưởng quý giá mà các anh luôn khắc ghi để sống xứng đáng với niềm tin đó và không để những cám dỗ làm cho sa ngã.

Đại úy Trần Trung Kiên chia sẻ: “Mỗi lần nhận được nhiệm vụ đi “làm án”  lúc nào tôi cũng cảm thấy muốn lao vào công việc, không biết sợ là gì. Khi vào trận thì tất cả anh em đều nhiệt huyết, có đồng chí còn xung phong chọn tuyến đầu hoặc vị trí nguy hiểm hơn. Chính sự đoàn kết này đã làm nên chiến công trong đấu tranh với tội phạm ma túy. Kiên quyết với tội phạm là vậy, song nhiều vụ án bắt giữ đối tượng xong, chúng tôi lại thấy thương xót – đó là trường hợp bắt 2 vợ chồng buôn bán ma túy, đứa con học lớp 1 của họ về, thấy bố mẹ vậy đã khóc rất nhiều. Lúc đó tôi vừa thương vừa trách đối tượng vì vi phạm pháp luật mà để con mình phải chịu khổ”.

Sau mỗi chuyên án thành công, mọi người biết tới chiến công của các cán bộ, chiến sĩ phòng chống ma túy bằng việc phá các đường dây, số lượng ma túy thu giữ được hay số tội phạm bị bắt giữ. Nhưng, đằng sau thành công đó là những cuộc chiến cân não của lực lượng công an đối với bọn tội phạm ma túy.

Trên gương mặt đen sạm vì nắng gió và hai vệt thâm hõm sâu dưới mắt, đại úy Trần Đình Vinh, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy, Công an tỉnh Nghệ An cho rằng đây chính là nét đặc trưng của những trinh sát ma túy khi thường xuyên phải lăn lộn trong rừng sâu và trắng đêm hành quân để bao vây, bắt gọn hang ổ của bọn tội phạm.

Đại úy Trần Đình Vinh tâm sự: “Tôi nhớ đến Kế hoạch 109 khi tấn công vào các đối tượng phạm tội ở trên núi Pù-Lôm. 10 chiến sĩ chúng tôi phải đi bộ mất 5 tiếng đồng hồ. Khúc đầu có sông hồ nên chúng tôi phải thuê 10 chiếc thuyền độc mộc đi trên nước chảy xiết, rất nguy hiểm, nhưng phải chấp nhận để đảm bảo bí mật. Sau đó, khi vừa lên bờ đi được một quãng thì chúng tôi lại gặp lầy, lúc đó phải bỏ hết đồ ăn thức uống mà chỉ giữ lại vũ khí rồi tiếp tục hành quân, đến gần 4h sáng mới đến điểm phục kích đối tượng. Đến khi chuyên án thành công là hơn 1 ngày chúng tôi không được ăn gì, lúc đó mới đói lả thì được Phòng lên đón, mang cho mấy chiếc bánh mì mới thấy quý đến nhường nào”.

Trong câu chuyện nói về mình, các chiến sĩ công an trên mặt trận đấu tranh với tội phạm ma túy thường đùa với nhau rằng, đã là trinh sát ma túy thì đều ít nhất một lần bị thương tích trong khi đánh án. Lòng quả cảm, say nghề của các anh thật đáng khâm phục. Nhưng đằng sau mỗi chiến công, mỗi trận đánh là nỗi trăn trở của người chỉ huy, của những người thân các anh.

Thiếu tá Trần Xuân Nghiệp, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm ma túy, Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết, mỗi khi nhận nhiệm vụ anh và đồng đội sẵn sàng lên đường, nhưng để lại nỗi âu lo cùng những vất vả không dễ sẻ chia với bố mẹ, vợ con của mình.

“Công việc đấu tranh với tội phạm ma túy là nhiệm vụ đặc thù, đặc biệt, mà khó khăn nguy hiểm không thể kể hết được. Chúng tôi có thể đi làm nhiệm vụ bất cứ lúc nào, kể cả đêm hôm, lễ tết, thậm chí có thể bất ngờ đi công tác cả tuần hoặc lâu hơn, nên mọi người ở nhà cũng rất lo lắng. Chỉ khi trở về đến nhà thì mọi người mới yên tâm. Nhiều khi có chuyên án nguy hiểm, tôi không dám chia sẻ với gia đình vì sợ người thân lo lắng. Tuy nhiên, cả nhà đều hiểu và động viên, tạo động lực cho tôi rất nhiều”.

Những chiến sỹ đấu tranh trên mặt trận phòng chống tội phạm ma túy luôn xác định, cuộc chiến ngày một cam go, phức tạp sẽ còn nhiều khó khăn thử thách, và các anh luôn vững vàng, khắc phục khó khăn gian khổ, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì một cuộc sống bình yên của nhân dân./.