Ngày mai (5/7) sẽ diễn ra Đại hội thi đua yêu nước công nhân viên chức lao động toàn quốc lần thứ 9. Về dự đại hội có 486 điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua do tổ chức công đoàn phát động.

Qua các phong trào thi đua đã làm xuất hiện nhiều sáng kiến, sáng tạo được áp dụng hiệu quả vào thực tiễn, làm lợi cho đất nước hàng nghìn tỷ đồng.

thi_dua_1_ivco.jpg
Anh Trương Văn Quang là điển hình tiên tiến trong ngành may mặc  

Anh Hoàng Văn Thiện, Quản đốc Phân xưởng Hiệu chuẩn, Công ty TNHH Một thành viên Kỹ thuật máy bay cho biết: là người quản lý trực tiếp đơn vị kỹ thuật, thường xuyên phục vụ bảo dưỡng, sửa chữa máy bay của công ty. Nhận thức được trách nhiệm, bản thân anh luôn đề ra các biện pháp trong quản lý, điều hành, sử dụng các máy móc, thiết bị đạt hiệu quả. 

Anh Thiện tâm sự: Trong Công ty Kỹ thuật máy bay, một số thiết bị không thể hiệu chuẩn tại các cơ sở trong nước, mà phải gửi ra nước ngoài hoặc phải thuê chuyên gia dẫn đến thời gian để thực hiện rất lâu và chi phí cao. 

Do được làm đúng chuyên ngành đào tạo nên anh đã cùng anh em trong phân xưởng thường xuyên nghiên cứu, cải tiến, sáng tạo được một số công trình về sửa chữa bảo dưỡng máy bay và hiện đã và đang được áp dụng trong hệ thống cả nước. Cụ thể như các sáng kiến: chế tạo bộ gá chuyên dụng để hiệu chuẩn các bộ nhân momen lực; chế tạo bộ gá chuyên dụng để hiệu chuẩn máy tháo, lắp tang trống máy bay tự động; nghiên cứu thiết bị -cosmoline đáp ứng kịp thời bảo dưỡng máy bay theo kế hoạch…và gần đây là sáng kiến chế tạo xe điều hòa cấp khí lạnh lên máy bay, giúp cải thiện điều kiện môi trường làm việc cho nhân viên, kỹ sư thực hiện bảo dưỡng máy bay trong những ngày hè nóng bức.

Anh Hoàng Văn Thiện chia sẻ: “Mỗi một lần chuẩn bị bảo dưỡng máy bay phải chuẩn bị dụng cụ, nhưng có những phát sinh hỏng hóc. Thực tế thiết bị đặc chủng, thời gian nhận thiết bị thường rất dài, có thiết bị thời gian đến 3 tháng. 

Chính vì điều đó anh em chúng tôi nảy ra những nghiên cứu nhằm áp dụng vào công tác sữa chữa, do đó có nhiều sáng kiến thành công như vậy, làm lợi cho nhà nước mỗi năm  khoảng 1,8 tỷ đồng cho nhà nước”.

Chị Võ Thị Hà, công nhân khai thác mủ cao su ở Đội 4, Nông trường 2, Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước luôn hoàn thành xuất sắc hiệm vụ được giao. Mặc dù đảm nhận công việc vất vả, nhưng ngoài trách nhiệm khai thác mủ cao su, bản thân chị thường xuyên tự học tập, rèn luyện về mọi mặt để nâng cao kiến thức, năng lực nhằm đáp ứng yêu cầu công việc. 

Hàng năm chị Hà đều đạt và vượt 105 % kế hoạch trong công tác chăm sóc và khai thác mủ cao su, chị là tấm gương tiêu biểu trong lao động sản xuất ở Công ty. 

“Công việc cạo mủ cao su, nữ nặng nhọc hơn nam tại sức khỏe không bằng nam giới. Tôi gắn bó với nghề 26 năm rồi nên việc chăm sóc vườn cây, tận thu hết các loại mủ, hàng năm làm máng che mưa theo kinh nghiệm làm kiểu này thấy không hợp thì phải tìm cách khác để mủ cao su không bị rò rỉ nhằm đạt năng suất cao”, chị Võ Thị Hà tâm sự.

Chị Võ Thị Hà đang khai thác mủ cao su tại Nông trường.

Ngoài ra, chị Hà còn có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật mang lại hiệu quả cao như: sáng kiến tiết kiệm vật tư trang bị vườn cây; tận dụng lại kiềng chén từ vườn cây thanh lý để sử dụng lại, tận thu mủ đất, dùng máng che mưa bằng nhựa để ngăn nước mưa không nhỏ giọt vào chén, làm loãng và hỏng mủ cao su. 

Những sáng kiến của chị Hà góp phần giảm giá thành sản phẩm, làm lợi cho nông trường mỗi năm hàng chục triệu đồng. 

Trong suốt 13 năm liền chị Hà luôn đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, năm 2007 đạt danh hiệu Phụ nữ tài năng toàn quốc thời kỳ đổi mới; năm 2010 được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao Động hạng Ba.

Là một điển hình tiên tiến, anh Trương Văn Quang, Quản đốc xí nghiệp 2, Công ty cổ phần May Bình Thuận Nhà Bè luôn trăn trở về quy trình sản xuất may công nghiệp vẫn còn sự lãng phí tại các bước thực hiện trong quy trình sản xuất. Từ đó, anh đã cùng tập thể cán bộ công nhân viên trong công ty tìm những giải pháp khắc phục nhằm đạt hiệu quả sản xuất cao hơn. 

Hiện nay, nhiều cải tiến kỹ thuật của anh đã giảm được thời gian sản xuất sản phẩm, giảm lao động, tăng được hiệu quả năng suất. Cụ thể như sáng kiến về máy vừa may vừa cắt xén, máy thuộc khuy nẹp…những sáng kiến này đang áp dụng hiệu quả tại nhiều doanh nghiệp may tại Bình Thuận, mỗi năm làm lợi hàng trăm triệu đồng. 

Ngoài ra, những sáng kiến của anh Trương Văn Quang luôn lọt vào chung kết  hội thi “Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Thuận” qua các năm: “Hiện nay, tôi đang trình hai chương trình cải tiến đang được áp dụng rất hiệu quả tại doanh nghiệp và sau này muốn nhân rộng ra xã hội. Tôi nghĩ rằng, để phát huy được những sáng kiến chúng ta phải thực sự là những người phải biết thi đua, thi đua để yêu nước. Do đó tôi luôn ấm ủ phát huy các sáng kiến để nhằm hoàn thiện nhà máy của mình về khâu cải tiến và tinh gọn hơn. 

Trong thực tiễn phát hiện những khâu không phù hợp sẽ tiếp tục cải tiến nhằm tăng năng suất lao động nhằm đưa ngành may của đất nước ngày càng phát triển”.

Mỗi điển hình trong các phong trào thi đua yêu nước là những đại diện tiêu biểu, những bông hoa đẹp và là hạt nhân thúc đẩy phong trào thi đua trong các đơn vị, doanh nghiệp ngày càng sôi nổi hơn. Qua đó, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế xã hội của cả nước./.