Trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid 19, công tác xét nghiệm thần tốc đóng vai trò vô cùng quan trọng. Mặc dù phải làm việc trong môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm cao, đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác và tuân theo những quy tắc nghiêm ngặt nhưng những cán bộ làm công tác xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội vẫn tận tâm, gắng sức làm việc thâu đêm suốt sáng, căng mình chạy đua với thời gian.

Dò từng con số, đọc từng họ tên, đeo khẩu trang và găng tay kín mít giữa hàng lang tầng 8 không quạt, không điều hòa, các cán bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội vẫn miệt mài đọc, đối chiếu và bảo lưu dữ liệu của hàng ngàn mẫu bệnh phẩm mới được gửi về. Trong không gian nóng bức, ngột ngạt nhưng ai cũng phải gắng sức làm việc.

Anh Nguyễn Đức Minh – Cán bộ Khoa xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh – Trung tâm CDC Hà Nội cho biết, khu vực nhận mẫu không được bật quạt, bởi nếu có gió sẽ làm lây nhiễm. Có những hôm ngoài trời 34-35 độ, trong phòng phải 37-38 độ, thậm chí hơn.

Vào những ngày cao điểm, CDC Hà Nội tiếp nhận khoảng gần 10.000 mẫu một ngày, trong khi mỗi ca trực chỉ có khoảng 20 người nên họ hầu như không có giờ nghỉ.

“Ban ngày chúng tôi nhận tua trực buổi sáng từ khoảng 7h30 đến 17h30. Những hôm nhiều mẫu quá chúng tôi ở lại tăng cường thêm khoảng đến 21h, có hôm đến 23h để tiếp sức cho tua trực trước đấy. Bình thường tua trực buổi tối từ 17h đến 8h sáng hôm sau. Có những đêm chúng tôi thâu đêm làm mẫu, có đêm chỉ ngủ khoảng 1 tiếng rồi dậy làm tiếp, 3h sáng dậy chúng tôi làm đến 7h, 7h30 chúng tôi mới ra khỏi phòng tách chiết”, Thạc sĩ Nguyễn Nữ Trà My, Khoa xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh thăm dò chức năng CDC Hà Nội chia sẻ.

Do số lượng xét nghiệm nhiều nên CDC Hà Nội thường ưu tiên làm các mẫu khẩn, có yếu tố nguy cơ mắc Covid-19 trước, sau đó mới đến các mẫu sàng lọc, để kịp thời khoanh vùng dập dịch. Các mẫu xét nghiệm từ các Trung tâm y tế quận, huyện trên địa bàn, sau khi được Trung tâm tiếp nhận sẽ được các nhân viên y tế chuyển vào phòng Elisa để thực hiện tách chiết và xử lý.

Để có được những kết quả xét nghiệm đáp ứng khẩn cấp cho công tác phòng chống dịch, không ai bảo ai, chị Hà Thị Luân cùng các đồng nghiệp trong Khoa xét nghiệm đều trong tâm thế chạy đua với thời gian. Tuy nhiên, công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác và tuân theo quy trình nghiêm ngặt, bởi chỉ một sơ suất nhỏ sẽ ảnh hưởng tới kết quả làm việc của cả một hệ thống.

“Chúng tôi phải đảm bảo làm sao cho kín hết toàn bộ người. Đeo khẩu trang phải ấn thật kín để đảm bảo không bị virus xâm nhập vào. Nhưng ấn nhiều xong bị đau sống mũi và cả mặt bị hằn vết lên. Thời tiết mùa đông đã đành nhưng mùa hè rất nóng bức, bức bí. Nhiều khi chúng tôi muốn đi vệ sinh hay khát nước đều phải nhịn hết bởi vì mỗi 1 lần ra vào là phải bỏ bộ bảo hộ đấy đi nên nếu không nhịn thì phí mất bộ đồ đấy”, chị Luân cho hay.

Hiện tại, mỗi nhân viên của Trung tâm CDC Hà Nội đều đang gắng sức gấp 2, 3 lần, làm việc thâu đêm, suốt sáng, thậm chí có những hôm làm quá bữa quên cả ăn bởi ai cũng mong ngóng, hồi hộp chờ đợi kết quả.

Theo chị Phạm Vân Chinh – Trưởng nhóm trực số 1 Khoa Xét nghiệm CDC Hà Nội, khi cho kết quả âm tính thì ai cũng vui mừng còn nếu kết quả là dương tính thì biết bao âu lo, căng thẳng lại ùa về.

“Kết quả mà âm tính mình chỉ cần làm 1 lần thôi còn hôm phát hiện ra nhiều ca dương, những buổi trực hôm đấy sẽ rất vất vả. Khi phát hiện ca dương thì phải làm sàng lọc kỹ khẳng định, mà nhiều ca dương thì càng mất nhiều thời gian để làm xác định ca  dương tính”, chị Chinh nói.

Đợt dịch lần thứ 4 đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp vì xuất hiện những chủng biến thể mới, với tốc độ lây lan nhanh chóng. Tuy nhiên, dù phải làm việc với cường độ cao và chịu nhiều áp lực nhưng các cán bộ xét nghiệm vẫn luôn động viên nhau nỗ lực cùng cả nước chống dịch.

Những hy sinh lặng thầm và sự nỗ lực, quyết tâm của các cán bộ, nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) đã góp phần giúp cả nước vượt qua 3 lần làn sóng dịch tấn công. Trong trận chiến chống dịch lần thứ 4 này, họ vẫn đang âm thầm ngày đêm cống hiến, vì sự bình yên và sức khỏe của nhân dân./.