Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường mòn Hồ Chí Minh, hay còn gọi là đường Trường Sơn là tuyến vận chuyển vũ khí, hàng hoá, lương thực, quân nhu... quan trọng nhất của hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam.

Suốt 16 năm, con đường huyền thoại ấy được nối liền, thông suốt bằng tinh thần quả cảm của các chiến sỹ, trong đó có những nữ chiến sỹ Trường Sơn.

Nhắc đến đường Trường Sơn huyền thoại, không thể không nhắc đến những cô gái lái xe trong trung đội nữ lái xe duy nhất trong lịch sử của quân đội ta mang tên người Anh hùng Quân giải phóng miền Nam Nguyễn Thị Hạnh. Được thành lập năm 1968, trung đội nữ này làm nhiệm vụ lái xe chở hàng, băng mình qua tuyến lửa.

ngo-thi-tuyet.jpg
Bà Ngô Thị Tuyết

Bà Nguyễn Thị Hòa - Trưởng ban liên lạc đội nữ lái xe Trường Sơn cho biết: Ban đầu cứ 2 người lái chung một xe, sau quen dần mỗi người tự lái một chiếc. Những cô gái trẻ chân yếu tay mềm, phải vật lộn với vô lăng, cần số…Xe thì lớn, người thì nhỏ nên vất vả vô cùng.

Để bảo đảm bí mật, mỗi chiếc xe chỉ được thắp một ngọn đèn rùa tù mù gắn ở phía trước gầm xe. Các chị vừa phải điều khiển xe, vừa phải dò đường tránh bom đạn, vượt ngầm.

Địch thả bom phía sau, các chị lái xe chạy lên phía trước, địch thả bom phía trước, các chị rẽ sang đường khác. Đoàn xe cứ thoắt ẩn, thoắt hiện giữa núi rừng.

Cứ như thế, những cô gái trẻ gan dạ vượt lên bom đạn, mưa lũ, lầy lội trên mọi cung đường, vận chuyển hàng vạn tấn hàng ra tiền tuyến.

Bà Nguyễn Thị Hòa nói: “Đơn vị nữ lái xe trong chiến đấu trực tiếp chở thương binh, thực phẩm, làm giáo viên đào tạo 300 lái xe, trực tiếp tham gia duyệt binh. Nữ lái xe kéo pháo, xe thông tin, chở dân quân tự vệ. Thiếu thốn đủ thứ nhưng vì cái chung, nên khó khăn mấy cũng phải khắc phục”.

Những nữ chiến sỹ Trường Sơn khi ấy mới mười tám, đôi mươi, nhưng đã mang trong mình tinh thần quyết tâm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. 

17 tuổi, cô gái Nguyễn Thị Bích Liên (ở Thái Bình) đã hăng hái lên đường gia nhập đội thanh niên xung phong.

Năm 1968, đội thanh niên xung phong của bà rời quê hương hành quân vào Trường Sơn, ròng rã suốt hơn tháng trời, đêm đi, ngày nghỉ để tránh máy bay giặc Mỹ.

Bà Nguyễn Thị Bích Liên

Trong những tháng ngày gian khó ấy, các chị vẫn luôn luôn lạc quan. Đội văn nghệ xung kích của Ban Xây dựng 67 được thành lập gồm 20 đồng chí. Một thời gian sau, đội được sáp nhập vào Đội văn công của Bộ GTVT thành Đoàn văn công “Tiếng hát át tiếng bom”.

Bà Liên là một trong những hạt nhân tích cực nhất, tham gia miệt mài với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ. Ngày làm văn công, đảm bảo giao thông chiến hào, tối trở thành cô giáo dạy chữ…

Bà Liên kể: “Có hôm chúng tôi bị đất vùi lấp do bom, anh em phải bới đất lên tìm. Sau đó nghỉ ngơi một lúc lại tiếp tục làm nhiệm vụ. Lúc bấy giờ lý tưởng cao cả lắm, có cái gì đấy thôi thúc ghê gớm lắm. Những bài hát như “Cô gái mở đường”, “Trên đỉnh Trường Sơn”… cứ hát lên là thấy khí thế hào hùng, không sợ cái chết”.

Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là một kỳ tích vĩ đại của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tính đến ngày Việt Nam thống nhất, đường Trường Sơn đã hoạt động trong suốt 16 năm.

Các lực lượng công binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn gồm khoảng 120.000 người đã làm nên tuyến đường liên hoàn, vững chắc nối Đông với Tây Trường Sơn, vươn tới các chiến trường.

Đường Trường Sơn dài gần 20.000km đường ô tô, 1.400km đường ống dẫn xǎng dầu, hơn 3.000km "đường kín" cho xe chạy ban ngày và hàng ngàn cầu, cống, ngầm.

Trong 16 năm, hệ thống hậu cần đường Trường Sơn đã chuyển được hơn 1 triệu tấn hàng, vũ khí vào cho các chiến trường, bảo đảm chỉ huy hành quân cho hơn 2 triệu lượt người vào chiến trường hoặc từ chiến trường ra Bắc; vận chuyển cơ động 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, hộ tống 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật vào chiến trường. Để đạt được những kỳ tích đó, có phần đóng góp không nhỏ của những nữ chiến sỹ Trường Sơn.

Bà Ngô Thị Tuyết - Phó Trưởng ban công tác nữ, Hội Truyền thống Trường Sơn cho biết: “Đường Hồ Chí Minh lúc đông nhất có khoảng 100.000 người, gồm quân đội, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến. Giới nữ ở đó cũng chiếm khoảng gần 20.000. Có những chị trở thành những nữ anh hùng, có chị trở thành người Đảng viên kết nạp ngay trong chiến trường nhưng cũng có chị đã ngã xuống và mãi không trở về. Hòa bình lập lại, các chị trở về với cuộc sống đời thường nhưng vẫn phát huy truyền thống người nữ chiến sỹ Trường Sơn, người lính Cụ Hồ năm xưa”.

Cùng với sự chuyển mình đi lên của đất nước, ngày nay tuyến đường Trường Sơn (đường mòn Hồ Chí Minh) đã được đầu tư xây dựng trở thành tuyến giao thông quan trọng phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và du lịch. Mỗi khi nhắc đến con đường huyền thoại này, mỗi người Việt Nam đều tự hào vì thế hệ cha anh đã làm nên những kỳ tích./.